Hỗ trợ doanh nghiệp da giày vượt qua khó khăn do Covid-19

author 08:54 29/12/2020

(VietQ.vn) - Mục tiêu của ngành da giày trong năm 2021 phải đạt trên 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành bằng những chính sách phù hợp.

Năm 2020, do tác động từ đại dịch Covid-19 khiến thị trường xuất khẩu ngành da giày gặp nhiều khó khăn. Theo ước tính của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, đến cuối tháng 12 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt khoảng 16,5 tỷ USD; giảm hơn 10% so với năm 2019. Để đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2021, doanh nghiệp ngành da giày cần những chính sách hỗ trợ thiết thực.

Để đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2021, doanh nghiệp ngành da giày cần những chính sách hỗ trợ thiết thực. Ảnh minh họa. 

Đại diện Tập đoàn Gia Định - doanh nghiệp có 4 nhà máy sản xuất da giày cùng hơn 6.000 công nhân cho biết, năm 2020 thực sự là giai đoạn khó khăn đối với doanh nghiệp khi phải cho hàng loạt công nhân nghỉ việc, nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống giảm đơn hàng vì dịch Covid-19.

“Trong giai đoạn này với doanh nghiệp chúng tôi là hết sức khó khăn. Các đơn hàng để xuất sang châu Âu và Mỹ đang tạm thời giãn, ngừng để chờ xem tình hình dịch bệnh. Đơn hàng đang giảm khoảng 80%” – vị đại diện nói.

Năm 2020, ngành da giày chịu tác động từ cả 2 phía. Đó là, nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn từ phía Trung Quốc. Còn thị trường Mỹ, châu Âu, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của nước ta thì đang đóng cửa vì Covid-19. Thống kê của Bộ Công thương chỉ ra, đến nay, đã có trên 70% doanh nghiệp da giày trong nước ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến 800.000 lao động.

Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu ở hai thị trường châu Âu và Mỹ giảm từ 13% đến 14%, việc chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia phần nào kéo kim ngạch xuất khẩu ngành da giày tăng trưởng dương ở mức 5,7% trong quý II năm 2020.

Một khó khăn nữa đối với ngành da giày trong bối cảnh Covid-19 đó là nguồn vốn lưu động, vốn sản xuất cho doanh nghiệp. Nếu việc này không được can thiệp kịp thời từ chính sách Nhà nước, thì khó khăn càng chồng thêm khó khăn đối với doanh nghiệp da giày.

Trước những khó khăn mà ngành da giày gặp phải, phía Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết đã có nhiều văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ, ban ngành. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kiến nghị: "Thứ nhất là miễn giảm bảo hiểm, kinh phí công đoàn, cho vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn giãn nợ ngân hàng cho các doanh nghiệp, chi phí điện nước cầu cảng miễn cho doanh nghiệp, vấn đề về chính sách thuế cũng như vậy. Tiếp tục kiến nghị để các chính sách hỗ trợ sớm được áp dụng, tránh thủ tục rườm rà trong quá trình mà doanh nghiệp đang còn rất khó khăn”.

Mục tiêu của ngành da giày trong năm 2021 phải đạt trên 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành bằng những chính sách phù hợp.

Vừa qua, tại buổi làm việc với đại diện ngành dệt may, da giày Việt Nam để giải quyết các kiến nghị, đưa ra đề xuất, giải pháp nhằm tạo điều kiện phát triển cho ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, "nhanh, quyết liệt để chiếm lĩnh, phát triển".

Ngành cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới; tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý cần "tăng trưởng xanh" trong phát triển ngành dệt may, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, áp dụng kinh tế tuần hoàn; tiếp tục nâng cao mức độ tự động hóa, nâng cao giá trị làm ra của một lao động để tăng thu nhập.

Công nghiệp hỗ trợ - 'chìa khóa’ giúp doanh nghiệp ngành da giày đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ(VietQ.vn) - Xuất khẩu ngành da giày sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu (công nghiệp hỗ trợ) để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang