Ngành da giày: Chạy nước rút trên đường đua ứng dụng KHCN tăng NSCL

author 06:20 23/11/2020

(VietQ.vn) - Trong khi các hãng giày dép lớn trên thế giới đã và đang ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, quản lý thì tỷ lệ làm việc thủ công của doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn còn ở mức cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Năng suất lao động thấp, ứng dụng KHCN chậm

Hiện nay, các hãng giày dép lớn trên thế giới như Adidas, NIKE…, đều đang chạy đua ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vào sản xuất, quản lý. Adidas đã sử dụng công nghệ in 3D trong sản xuất đế giày, tạo mẫu, thử mẫu và làm khuôn silicon cho giày. Công nghệ này cho phép Adidas sản xuất giày riêng cho từng khách hàng.

Trình độ công nghệ sản xuất giày dép của Việt Nam phổ biến ở mức trung bình khá so với khu vực

 

Trong khi tại Việt Nam, da giày là ngành sử dụng nhiều lao động nhưng đa số là lao động phổ thông, năng suất và chất lượng chưa cao. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa một số công đoạn sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động.

Theo khảo sát của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), một số doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tư máy móc tự động hóa 100% cho khâu cắt nguyên liệu và đang từng bước chuyển sang tự động hóa các công đoạn sản xuất khác.

Đơn cử, Tập đoàn Thái Bình Shoes đã trang bị máy may lập trình, máy thêu vi tính, máy cắt laser… nhằm tự động hóa các công đoạn sản xuất. Việc tự động hóa giúp doanh nghiệp giảm giá thành, tăng năng suất lao động và hạn chế rủi ro trong các công đoạn sản xuất.

Hay Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Việt Á Châu đã đầu tư máy scan và in 3D để phục vụ làm khuôn. Các thiết bị này giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xuống 10 ngày riêng cho khâu làm khuôn, giảm đáng kể thời gian giao hàng.

Tuy nhiên, so với khu vực, trình độ công nghệ sản xuất giày dép của Việt Nam phổ biến ở mức trung bình khá. Quá trình sản xuất mới được cơ giới hóa mà chưa tự động hóa, tỷ lệ công việc làm thủ công còn ở mức cao, do vậy năng suất lao động vẫn còn thấp. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất giày dép của Việt Nam mới chỉ bước đầu ứng dụng CMCN 4.0 trong sản xuất một số loại giày đặc chủng, giày thể thao chuyên dụng đẳng cấp cao, giày y tế và giày thời trang cao cấp. Lĩnh vực may cặp-túi-ví, việc ứng dụng công nghệ 4.0 chủ yếu trong các công đoạn cắt nguyên liệu và may lập trình.

Chạy nước rút trên đường đua

Theo các chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ tác động toàn diện đến ngành da giày, trong đó có tác động tới phát triển sản phẩm. Theo đó, nhiều sản phẩm, công nghệ sản xuất và vật liệu mới trong lĩnh vực sản xuất da giày được ra đời. Từ cạnh tranh về giá, doanh nghiệp sẽ chuyển sang cạnh tranh về chất lượng. Công nghệ 4.0 sẽ thay đổi cơ cấu nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến chất lượng và kiểu dáng sản phẩm cũng thay đổi để phù hợp.

Trong nghiên cứu thị trường, CMCN 4.0 được nhận định là xu hướng tất yếu và tiếp cận theo hướng dẫn dắt khách hàng “thể hiện bản thân mình”, từ nhận biết đến ủng hộ thương hiệu của doanh nghiệp với xu hướng phát triển công nghệ số.

Marketing 4.0 hội tụ các công nghệ mới nhất tạo nên sự hội tụ giữa tiếp thị số và tiếp thị truyền thống, qua đó các doanh nghiệp sẽ phải thích nghi với sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của khách hàng trong nền kinh tế số, thông qua những công cụ: vạn vật kết nối, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa.

CMCN 4.0 còn tác động tới quá trình chuẩn bị sản xuất, vật tư, công nghệ và trang thiết bị sản xuất, sản phẩm da giày, thậm chí làm thay đổi cơ cấu chuỗi giá trị da giày khi tác động từ chuyển đổi thiết kế, sản xuất, hoạt động và dịch vụ tới thay đổi xu hướng công nghệ sản xuất. Ngoài ra, CMCN 4.0 còn tác động tới logistics, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; phương thức sản xuất, lao động và xã hội, môi trường lao động…

Như vậy có thể thấy, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 đã hiển hiện ngày một rõ nét trên bản đồ sản xuất, kinh doanh mặt hàng giày dép, túi xách thế giới. Đây cũng sẽ là yếu tố quyết định trong cuộc đua dành thị phần, thị trường của các nhà sản xuất, phân phối trong tương lai. Thực tế hiện nay, việc ứng dụng thành quả CMCN 4.0 của các doanh nghiệp da giày trong nước mới chỉ ở một phần rất nhỏ của công nghệ sản xuất, các lĩnh vực khác vẫn còn rất xa vời.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký LEFASO, đến năm 2030 Việt Nam được dự báo sẽ qua thời kỳ dân số vàng, ngành da giày sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do lợi thế về lao động dồi dào với chi phí thấp không còn nữa. Do vậy, không còn cách nào khác là doanh nghiệp da giày trong nước phải tăng tốc chạy nước rút trong cuộc đua này. Việc tìm giải pháp tăng năng suất lao động trong khi số lao động không tăng, thông qua đổi mới công nghệ, áp dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0 là rất cần thiết.

Mới đây, LEFASO đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước «Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN lần thứ tư đối với ngành da giày Việt Nam, định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2030”. Trong đó, đề cập rõ hiện trạng, phân tích nguyên nhân và xu hướng thích hợp cho ngành da giày phát triển trong tương lai, trong đó có vai trò quan trọng của ứng dụng thành quả CMCN 4.0- bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy- Túi xách Việt Nam:

Cần xây dựng chính sách đổi mới công nghệ của ngành, phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu, ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm da giày; phát triển thương hiệu, hệ thống phân phối tại thị trường nội địa và quốc tế.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang