Khách hàng bị 'móc túi', đơn vị phân phối viên sủi Satuchin có vô can?

author 09:14 28/02/2022

(VietQ.vn) - Sau khi VietQ phản ánh về dấu hiệu "móc túi" 45 triệu đồng của bệnh nhân, tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin đã tiếp tục chiêu trò nhằm đánh tráo bản chất, khớp hồ sơ để đối phó cơ quan chức năng? Việc này, đơn vị sản xuất và phân phối không thể vô can.

Thêm bằng chứng

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải loạt bài viết phản ánh tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin sử dụng nhiều chiêu trò kinh doanh để "móc túi" hàng chục triệu đồng của khách hàng là chị Trần Thị Vui (SN 1993, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa).

Quá trình điều tra mở rộng, VietQ tiếp tục tiếp cận nhiều tư liệu thể hiện sự gian dối của tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin. Cụ thể, tổ chức này đã đào tạo bác sỹ “online” mạo danh là bác sỹ Nguyễn Hoàng – nguyên Giảng viên Trường đại học Dược Hà Nội, mạo danh chức danh trợ lý của BS Hoàng, Thanh tra Bộ Y tế... cùng với đó là bộ máy hoạt động chuyên nghiệp từ kế toán, quản lý bán hàng, giám sát...

 Đơn tố cáo chị Vui gửi đến các cơ quan chức năng mong muốn điều tra, làm rõ.

Khi tiếp cận các file ghi âm, hình ảnh... nạn nhân cung cấp, PV không khỏi giật mình trước hình thức hoạt động tinh vi nhằm lừa dối người tiêu dùng của tổ chức này. Để bán được hàng, họ diễn đủ vai lừa dối bệnh nhân mua sản phẩm và khi sử dụng không có tác dụng, bệnh nhân liên hệ yêu cầu hoàn lại tiền thì chỉ nhận được sự… im lặng. Ngày 16/02 vừa qua, sau khi VietQ đăng tải bài viết: “Tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 45 triệu đồng của bênh nhân”, tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin mới có động thái.

Ngay tức khắc, chị Vui nhận được thông tin từ một người xưng là Minh - bộ phận giám sát và chăm sóc khách hàng liên hệ yêu cầu chị cung cấp lại các dữ liệu thông tin hỗ trợ để người này xử lý nhanh trong ngày. Theo lời người tên Minh, tổng số tiền chị Vui đã mua là 45 triệu đồng nhưng sau khi trừ chiết khấu trên số hàng chị đã sử dụng thì chỉ nhận được hỗ trợ 80% tức 36 triệu đồng (không phải 100% như cam kết trước đó). Số tiền 80% được chia thành 2 lần thanh toán, lần 1 đơn vị này đã chuyển khoản 18 triệu. Sau đó, chị Vui yêu cầu tổ chức Satuchin phải thanh toán đủ số tiền như cam kết thì nhận được tin nhắn: “Bên em thực hiện chính sách hoàn trả có điều khoản quy định, chứ không phải khách hàng nói thế nào là làm như vậy. Theo quy định chị chỉ được nhận hỗ trợ 80%, tức là 36 triệu đồng...”.

Ngày 18/02, VietQ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc thì chị Vui lại nhận được rất nhiều cuộc gọi từ đơn vị này gọi tới đàm phán và đồng ý thanh toán đủ số tiền 45 triệu đồng. Tuy nhiên, để nhận số tiền này, tổ chức Satuchin yêu cầu chị Vui phải ký vào biên bản với nội dung: “Các bên thống nhất thông qua toàn bộ nội dung trên và cam kết không khiếu nại, khởi kiện hoặc gửi những phản ánh, thông tin liên quan đến việc mua bán hàng hoá này cho các bên thứ ba”.

Ngoài ra, để khớp với hồ sơ và đề phòng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tổ chức kinh doanh Satuchin yêu cầu chị Vui xác nhận biên bản được ký vào ngày 07/02/2022 (lùi 11 ngày so với thực tế, tức trước khi báo chí phản ánh). Không những vậy, đại diện Satuchin còn tiếp tục liên hệ yêu cầu chị Vui sau khi nhận đủ số tiền 45 triệu đồng phải có trách nhiệm thông tin tới tòa soạn báo (tức VietQ) rằng nội dung mình phản ánh trước đó là không đúng, hiểu nhầm.

“Tôi thấy có bài báo liên quan đến thông tin của chị, nhờ chị liên hệ với bên báo nói đây là hiểu nhầm. Hoặc chị chỉ cần nhắn tin cho nhà báo nói là hiểu nhầm và chụp lại tin nhắn gửi cho tôi. Chị giúp tôi giải quyết như vậy để cả hai hết trách nhiệm với nhau. Giờ chị nghe bên báo người hưởng lợi là báo, không phải chị, người chịu thiệt là nhãn hàng. Nếu như thế rồi các vấn đề liên quan sẽ vào cuộc thì sẽ không hay và mất thời gian nên chị em mình du di nhau một chút...”, tổ chức kinh doanh Satuchin thông tin với chị Vui.

Lúc này, chị Vui cũng liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ những người đã tư vấn trước đó, tên Phụng... liên hệ để đàm phán, yêu cầu chị ký vào giấy xác nhận và gửi ra Hà Nội kèm theo số điện thoại người nhận là 0376057195.

Từ nội dung nêu trên có thể thấy tổ chức kinh doanh viên sủi Satuchin đang cố tình khớp hồ sơ để qua mặt cơ quan chức năng. Câu hỏi đặt ra, không biết đã có bao nhiêu khách hàng tin tưởng chi tiền mua sản phẩm Satuchin sử dụng không có tác dụng như trường hợp của chị Vui?

Do đó, để bảo vệ quyền lợi khách hàng, tòa soạn VietQ sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, cung cấp các tư liệu... đề nghị vào cuộc kiểm tra việc kinh doanh của tổ chức này. Hơn hết, VietQ cảnh báo các bệnh nhân đã và đang sử dụng sản phẩm Satuchin như trường hợp của chị Vui tới cơ quan chức năng để thông báo tình trạng hiện tại hoặc thông tin tới tòa soạn theo số điện thoại 02437567804.

Đơn vị sản xuất, phân phối không thể vô can

Đó là lập luận của Luật sư Trần Minh Hùng (VP Luật sư Gia đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) trong vụ việc này. LS phân tích, theo quy định khi quảng cáo thực thẩm chức năng không được quảng cáo có giá trị như thuốc, không thay thế thuốc. Nếu quảng cáo gian dối để chiếm đoạt tài sản, sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật gây thiệt hại cho khách hàng thì tùy tính chất hành vi, hậu quả, mức độ mà có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Đơn vị phân phối viên sủi Satuchin có vô can khi khách hàng bị “móc túi”?

Trong vụ việc này, cũng cần xem xét, xác minh quan hệ giữa công ty sản xuất và nhà phân phối, cá nhân. Nếu việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm vượt quá nhà sản xuất thì nhà phân phối chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà sản xuất phải ràng buộc bên phân phối, bên giới thiệu tuân thủ pháp luật quảng cáo, tuân thủ nghề nghiệp thì có lẽ không dám nhà phân phối nào vi phạm, bởi vi phạm sẽ bị chế tài.

“Tôi cho rằng có sự tiếp tay từ nhà sản xuất dù trực tiếp hay gián tiếp. Do vậy, trách nhiệm nhà sản xuất không thể vô can trong những trường hợp này”, Luật sư Hùng nói và cảnh báo người tiêu dùng, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không thay thế thuốc. Việc sử dụng phải theo tư vấn chuyên môn, y bá sĩ, không thể nghe người bán, nhà phân phối giới thiệu, quảng cáo mà tin mua sử dụng.

“Chúng ta nên sử dụng sản phẩm uy tín, có giấy phép lưu hành hợp pháp, được xã hội và nhiều người ghi nhận chứ không nghe theo lời quảng cáo ngon ngọt. Bị bệnh ai cũng muốn khỏi nên nhiều khi gặp ai giới thiệu hết bệnh là mua mà không dựa trên khoa học đây là điều không nên”, LS Hùng khuyến cáo.

 NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang