Bác sĩ cảnh báo: Không tự đoán bệnh, mua thuốc 'xách tay' vì nguy hiểm tính mạng
Cơ sở sản xuất thuốc, mỹ phẩm hoạt động tại Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn
Cảnh báo nguy hiểm khi dùng thuốc nam điều trị suy thận
Nguyên tắc xây dựng danh mục thuốc hóa dược thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT
Theo ghi nhận hiện nay trên thị trường thuốc online xuất hiện rầm rộ nhiều mặt hàng "xách tay" được quảng cáo có xuất xứ từ Ấn Độ, Nga, Anh, Mỹ... không còn xa lạ với người tiêu dùng, đặc biệt các thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo nguy cơ từ việc tự ý đoán bệnh xong mua thuốc 'xách tay' về dùng.
Về vấn đề này, bác sĩ Bùi Mạnh Cường, Trưởng khoa Nội hô hấp Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, hiện nay nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng nhất là điều trị xương khớp của nước ngoài mà người dân hay tự mua trong thành phần có các hoạt chất chống viêm giảm đau không steorid. Ngoài tác dụng chống viêm, giảm đau sẽ ảnh hưởng tới dạ dày gây ra viêm loét thậm chí có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa.
Tại Bệnh viện Bạch Mai hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc hóa chất do tiếp xúc qua da hoặc đường uống. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ca ngộ độc này chủ yếu là hóa chất có nguồn gốc nước ngoài, bên ngoài không có tiếng Việt mà hầu hết là tiếng nước ngoài. Thậm chí khi dịch ra tiếng Việt, các bác sĩ vẫn không rõ bên trong hóa chất này chính xác chứa chất gì để có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Mua thuốc 'xách tay' tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cần tránh. Ảnh minh họa
Bằng các phương pháp thông thường, không dễ dàng để phát hiện thuốc thật, giả một cách chính xác. Chỉ có kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả. Tuy nhiên, vấn đề này cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả trên thị trường. Do đó khi mua thuốc “ xách tay” cần phải nghi ngờ bởi rất có thể đó là thuốc giả, hàng nhái.
Bác sĩ Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa MEDLATEC) cũng cho biết, hiện nay, thực trạng nhiều người có triệu chứng đau ốm tự đoán bệnh và tự điều trị tại nhà rất phổ biến. Hoặc các trường hợp khác hỏi ý kiến những người không có chuyên môn hay dược sĩ tại hiệu thuốc thay vì đi khám ở các cơ sở y tế. Nhiều người không có kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm y khoa có thói quen “tự làm bác sĩ”. Từ đó, gây ra những hậu quả khôn lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Khi không xác định đúng, bệnh vẫn tồn tại và tiến triển trong cơ thể. Đến khi phát hiện, bệnh đã chuyển giai đoạn cấp tính và mạn tính, gây khó khăn trong điều trị, thậm chí đe dọa tính mạng cơ thể. Có thể kể đến bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, người bệnh thấy hết sốt nghĩ rằng đã khỏi bệnh mà không đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm theo dõi tiểu cầu. Trường hợp tiểu cầu giảm mạnh nhưng không được can thiệp kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, việc tự ý dùng thuốc có thể bỏ lỡ giai đoạn “vàng” để điều trị bệnh. Ví dụ, bệnh lý viêm tấy quanh amidan nếu không chữa trị ngay có thể hình thành ổ áp xe phải chích rạch, muộn hơn có thể gây ra nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng. Hoặc, các bệnh lý ung thư được phát hiện sớm sẽ dễ dàng điều trị và kéo dài cơ hội sống hơn khi nhận biết ở giai đoạn muộn.
Đồng thời, tự đoán bệnh và tự ý mua thuốc khi không có đơn chỉ định của bác sĩ dẫn tới việc điều trị không hiệu quả. Đặc biệt, việc dùng sai thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Điển hình như vấn đề đáng được quan tâm trong ngành y hiện nay là tình trạng kháng kháng sinh do lạm dụng dùng kháng sinh bừa bãi, gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, dùng phải thuốc giả rất nguy hiểm vì người bệnh không chữa được bệnh và không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả, có thể làm gia tăng độc tính cho cơ thể. Người dùng thậm chí có khả năng bị ngộ độc do trong thuốc giả có thể chứa nhiều thành phần kém chất lượng, kém tinh khiết, thậm chí tồn tại dư lượng các chất cấm, các kim loại nặng.
Bác sĩ Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, chia sẻ: Thuốc hay thực phẩm chức năng thì cũng cần phải sử dụng dưới sự hướng dẫn, tư vấn của các bác sĩ, phù hợp với nhu cầu hay tình trạng của cơ thể. Đã có những trường hợp chúng tôi tiếp nhận bệnh nhi phải nhập viện dưới tình trạng ngộ độc chì do các phụ huynh tự ý mua thuốc “cam” trên mạng với hy vọng trẻ ăn ngủ tốt hơn. Thậm chí, có những loại vitamin, phụ huynh chỉ nghĩ đơn thuần là để tăng cường sức khoẻ, không hại gì, nhưng thật ra hoàn toàn không phải vậy. Sử dụng vitamin D quá liều và kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc, gây suy thận cấp ở trẻ.
Liên quan tới tình trạng này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe.
Thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm tới sức khỏe của người sử dụng thuốc. Người dân, nên mua thuốc tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, các thuốc được bán trên mạng được quảng cáo sản xuất tại các quốc gia phát triển, vì các loại thuốc này chưa được các cơ quan quản lý kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN IX:2024 về bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc
Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhằm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp kiểm nghiệm, bảo quản và các yêu cầu có liên quan đến chất lượng đối với nguyên liệu hóa dược, thành phẩm hóa dược. Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc này gồm 69 tiêu chuẩn, chia thành 3 phần như sau: Phần 1. Nguyên liệu hóa dược, gồm 29 tiêu chuẩn; Phần 2. Thành phẩm hóa dược, gồm 34 tiêu chuẩn; Phần 3. Dược liệu, gồm 6 tiêu chuẩn.
Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc TCVN IX:2024 được xây dựng trên nguyên tắc nối tiếp bộ TCVN I:2017, bộ TCVN II:2012, bộ TCVN III:2014, bộ TCVN IV:2015, bộ TCVN V:2017 và bộ TCVN VI:2017, TCVN VII:2021 và TCVN VIII:2022.
An Dương (T/h)