Kinh tế Singapore: Mô hình cho phát triển ở châu Á

author 09:26 31/03/2015

Trong giai đoạn ông Lý Quang Diệu chính thức nắm quyền với vai trò thủ tướng từ năm 1959 đến năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của Singapore tăng khoảng 29 lần từ 435 USD lên khoảng 12.700 USD.

ông Lý Quang Diệu, Kinh tế Singapore, Mô hình, phát triển châu Á, quốc đảo sư tử, thiên tài

Sự kiện cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu qua đời đã đổ dồn mọi suy nghĩ, bình luận trên thế giới về quốc đảo sư tử Singapore nơi mà sự thành công của quốc gia nhỏ bé này được xem là di sản từ sự nghiệp chính trị của vị lãnh đạo thiên tài này. Một nền kinh tế Singapore “thần kỳ” đã được đánh giá cao như một mô hình phát triển cho châu Á.

So sánh thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) của Singapore và Malaysia, một quốc gia láng giềng mà Singapore đã từng là một phần trong đó trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1965 chúng ta sẽ thấy sự thay đổi ngoạn mục của đảo quốc sư tử.

Trong giai đoạn ông Lý Quang Diệu chính thức nắm quyền với vai trò thủ tướng từ năm 1959 đến năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của Singapore tăng khoảng 29 lần từ 435 USD lên khoảng 12.700 USD. Trong khi đó quốc gia láng giềng Malaysia chỉ đạt mức tăng từ 230 USD đến khoảng 2.400 USD với mức tăng chỉ khoảng 10 lần.

Hình 1: So sánh thu nhập bình quân đầu người của Singapore và Malaysia (1959-2013)

Vai trò của ông Lý Quang Diệu để tạo nền một Singapore “thần kỳ” chưa dừng lại ở đó. Theo các nhà kinh tế học cũng như các nhà nghiên cứu chính sách công, những nền tảng về một mô hình kinh tế quốc gia mà ông Lý Quang Diệu đã xây dựng trong thời gian tại vị của mình mới thật sự là “di sản” quan trọng để sau đó Singapore tiếp tục phát triển không ngừng. Cho đến năm 2013, mức thu nhập bình quân đầu người của Singapore cao nhất thế giới, khoảng 55.000 USD trên năm, vượt cả các nước phát triển khác ở Tây Âu và Bắc Mỹ.

Vậy mô hình phát triển của nền kinh tế Singapore dựa trên những thành tố nào? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu và chính sách công đưa ra bốn thành tố quan trọng như sau:

Thứ nhất, bình ổn kinh tế vĩ mô và sự can thiệp hiệu quả của chính phủ.

Các chính sách kinh tế vĩ mô luôn được duy trì hiệu quả ở Singapore gồm có lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái thực cạnh tranh, lãi suất thực ở mức dương, chính sách tài khoá ổn định và một chế độ cán cân thanh toán luôn ở mức an toàn. Với những chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô hiệu quả như vậy, Singapore đã tạo ra và duy trì được cả trạng thái tăng trưởng cao và khuyến khích đầu tư trong dài hạn.

Một điều khác biệt quan trọng về chính sách kinh tế là sự can thiệp ở mức cao của chính phủ trong nền kinh tế Singapore khi so sánh với việc đề cao vai trò của thị trường và tư nhân ở các nước phương Tây. Sự can thiệp của chính phủ Singapore đối với nền kinh tế tập trung vào ba khu vực chính, bao gồm (1) điều tiết thị trường lao động, (2) khuyến khích giáo dục và đào tạo, và (3) nâng cao mức tiết kiệm trong nền kinh tế.

Về điều tiết thị trường lao động, trong giai đầu của phát triển chính phủ Singapore xây dựng khu vực việc làm cho lao động phổ thông thông qua việc thu hút đầu tư và mở rộng các hoạt động sản xuất nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm duy trì mức cạnh tranh quốc tế trong hoạt động sản xuất, chính phủ Singapore áp đặt mức lương tối thiểu hiệu quả.

Về giáo dục và đào tạo, chính phủ tập trung xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo kỹ năng cho người lao động. Giáo dục và đào tạo ban đầu được trợ cấp bởi chính phủ và sau đó khuyến khích đầu tư nhằm hiện đại hoá và nâng cao chất lượng của các hoạt động này nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực ở quốc gia này. Hiện nay Singapore có hệ thống giáo dục và đào tạo tiên tiến bậc nhất thế giới. Ngoài ra chính phủ còn khuyến khích tiết kiệm trong nền kinh tế nhằm duy trì trạng thái tài khoá ổn định cho quốc gia.

Thứ hai, khuyến khích đầu tư dựa trên chính sách thuế hiệu quả

Singapore đặt mục tiêu phát triển dựa trên khả năng tích luỹ vốn và nguồn lực ở mức cao. Một chính sách quan trọng giúp Singapore đạt được mục tiêu này là đưa ra chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Singapore vì vậy trở thành một trong những “thiên đường” thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thế giới. Chính sách thuế hiệu quả sẽ giúp nguồn lực được tái đầu tư trong nền kinh tế Singapore. Hệ quả là tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư ở mức cao được duy trì ổn định lâu dài.

Thứ ba, phát triển vốn con người có mục tiêu

Với mục tiêu cải thiện chất lượng nguồn lao động, chính phủ Singapore đã tập trung ngân sách rất lớn tài trợ cho hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục sau đại học. Chính sách phát triển vốn con người dựa trên đầu tư lớn của nhà nước vào hệ thống giáo dục dựa trên hai chính sách quan trọng là:

(1) lựa chọn người đi học, đặc biệt là học đại học dựa trên năng lực và mang tính cạnh tranh cao, và nhà nước sẽ chi trả toàn bộ chi phí đào tạo cho những nhân tài;

(2) chính phủ lồng ghép việc phát triển hệ thống giáo dục, và đào tạo trong các chính sách công nghiệp hoá, trong đó ngoài quá trình học tập trong hệ thống giáo dục lao động có kỹ năng được khuyến khích phát triển trong các khu vực sản xuất công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài. Đây được xem là một chiến lược quan trọng nhằm học hỏi và chuyển giao công nghệ từ các nước phương Tây cho nguồn nhân lực Singapore.

Thứ tư, cung cấp hàng hoá công hiệu quả

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả được xem là một nền tảng quan trọng cho chính sách công nghiệp hoá ở Singapore. Hệ thống cơ sở hạ tầng gồm có cảng biển, sân bay, bưu chính viễn thông, đường xá, và các tiện ích cho chuyển đổi nền kinh tế. Một ví dụ điển hình về thành quả của chính sách này là sân bay Changi của Singapore trở thành trạm trung chuyển quan trọng bậc nhất ở châu Á Thái Bình Dương với sự hiện đại bậc nhất.

Không nghi ngờ gì nữa khi khẳng định Singapore là một trong số quốc gia phát triển bậc nhất ở khu vực châu Á với mức thu nhập bình quân đầu người cao, phúc lợi từ các tiện ích, dịch vụ cuộc sống, và an sinh xã hội hàng đầu thế giới. Với những cải thiện về nền kinh tế kể từ giai đoạn xây dựng quốc gia cho đến nay, hình mẫu của nền kinh tế Singapore xứng đáng trở thành một mô hình cho quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Á, học hỏi để tạo sự phát triển.

Theo Trí Thức Trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang