Kit test, thuốc cảm cúm 'nóng' trở lại, cảnh báo nguy cơ kháng thuốc khi tự điều trị tại nhà

author 15:45 21/04/2023

(VietQ.vn) - Do tình hình COVID-19 tăng trở lại khiến người dân đi mua các sản phẩm kit test, thuốc điều trị cảm cúm gia tăng. Tuy nhiên các chuyên gia y tế khuyến cáo nên thận trọng vì có thể gây kháng thuốc.

Theo ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng trong những ngày qua khiến thị trường cung ứng các sản phẩm kit test COVID-19 sôi động, sức mua các loại thuốc điều trị cảm cúm, tăng cường sức đề kháng... cũng tăng nhanh.

Số lượng người nhiễm COVID-19 gia tăng nhanh khiến thị trường cung ứng các sản phẩm phòng dịch bệnh như kit test thử COVID-19, các loại thuốc điều trị triệu chứng cảm cúm, ho sốt... sôi động trở lại trong những ngày gần đây.

Ghi nhận tại nhiều cửa hàng, hiệu thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội, lượng người đến mua các sản phẩm kit test, thuốc kháng sinh... tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo khảo sát, những thiết bị, vật tư y tế được nhiều người tìm mua nhất là các bộ kit test xét nghiệm COVID-19; các loại thuốc kháng sinh cảm cúm; thuốc giảm đau; nước muối sinh lý; các sản phẩm bổ sung vitamin C...

Số ca mắc COVID-19 gia tăng trong những ngày qua khiến thị trường cung ứng các sản phẩm kit test COVID-19 sôi động. Ảnh: TTXVN 

Đáng chú ý, so với năm ngoái - thời điểm giá kit test "đạt đỉnh" với mức từ 70.000 đến 100.000 đồng/bộ, hiện nay giá các bộ kit test được bán tại các hiệu thuốc chỉ còn dao động từ 50.000 đến 60.000 đồng/bộ. Trên các "chợ mạng," giá của loại sản phẩm này còn "mềm" hơn nữa, khi các nhà kho thông báo xả hàng với mức giá chỉ từ 2.500 đến 3.000 đồng/que thử.

Theo khuyến cáo của các bệnh viện và trung tâm y tế, các gia đình tự điều trị bằng thuốc tại nhà, không khám bệnh sẽ có nguy cơ kháng thuốc, khiến việc điều trị khó khăn và dễ gặp biến chứng do chưa hiểu hết ý nghĩa của các loại thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19. Không ít người tự ý sử dụng các loại thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ gây ra những hệ lụy cho sức khỏe.

Vì vậy thuốc kháng virus chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Nếu quá 7 ngày mà chỉ số CT vẫn dưới 25 hoặc test nhanh có vạch T đậm thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Mỗi đợt nên dùng 5-7 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của chương trình thử nghiệm.

Thuốc kháng viêm corticoid là nhóm thuốc thông dụng, rẻ tiền và có hiệu quả tốt để điều trị các rối loạn phản ứng viêm do Covid-19. Tuy nhiên, corticoid không được dùng để dự phòng vì có nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dùng sớm còn làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.

Khi đang dùng thuốc kháng virus, cần cân nhắc rất cẩn thận việc kết hợp với thuốc kháng viêm corticoid, do corticoid ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, khiến virus dễ dàng nhân lên hơn.

Theo đó để phòng bệnh, người dân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng; khi mắc COVID-19 nên nghỉ làm ở nhà để theo dõi, tránh lây lan cho cộng đồng.

Liên quan tới tình hinh dịch COVID-19 hiện nay, theo Bản tin Bộ Y tế về tình hình chống dịch COVID-19, ngày 20/4, ghi nhận 2.461 ca mắc COVID-19 mới; có 245 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.538.248 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.603 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong ngày 20/4, có 245 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi lên 10.615.987 ca. Hiện có 109 bệnh nhân đang thở oxy, trong đó có 80 ca thở oxy qua mặt nạ, 8 ca thở oxy dòng cao HFNC, 21 ca thở máy xâm lấn. Tiếp tục không ghi nhận bệnh nhân tử vong do COVID-19.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Về tiêm chủng, trong ngày 19/4, có 4.420 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.114.033 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.512.412 liều: Mũi 1 là 70.907.668 liều; Mũi 2 là 68.450.613 liều; Mũi bổ sung là 14.343.877 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.065.575 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.744.679 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều: Mũi 1 là 9.130.472 liều; Mũi 2 là 9.021.223 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.636.638 liều: Mũi 1 là 10.205.919 liều; Mũi 2 là 8.430.719 liều.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang