Nằm giường cũng gãy xương do lạm dụng kem chống nắng: Cảnh báo thói quen phản tác dụng

(VietQ.vn) - Tránh nắng triệt để suốt nhiều năm và thoa kem chống nắng mọi lúc ra ngoài, một phụ nữ 48 tuổi ở Trung Quốc bị thiếu vitamin D nghiêm trọng, dẫn đến loãng xương và gãy xương dù chỉ đang nằm trên giường.
Thuận lợi, khó khăn khi doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ESG
Cẩn thận với video AI trên TikTok để không tự tay cài phần mềm độc hại mà không biết
Khách hàng nhận ngay 10 triệu đồng khi đặt cọc sớm xe điện chở hàng VinFast EC Van
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền XinDu (Trung Quốc), sau khi thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân được xác định có nồng độ vitamin D trong máu cực kỳ thấp, dẫn đến loãng xương nặng và khiến xương dễ gãy đến mức chỉ cần xoay trở trên giường cũng gây tổn thương.
Tiến sĩ Long Shuang cho biết, bệnh nhân có tiền sử tránh nắng từ nhỏ, luôn mặc quần áo dài kín người và không bao giờ ra ngoài nếu chưa thoa kem chống nắng. Chính sự hạn chế tiếp xúc ánh nắng kéo dài khiến cơ thể không thể tổng hợp vitamin D – yếu tố then chốt giúp hấp thụ canxi và duy trì độ chắc khỏe của xương.
Chuyên gia chỉnh hình Jiang Xiaobing từ Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu nhấn mạnh, xương người cần được tái tạo liên tục, nhưng quá trình này bị cản trở nếu thiếu hụt vitamin D. Từ sau tuổi 30, mật độ xương bắt đầu suy giảm tự nhiên, trung bình từ 0,5% đến 1% mỗi năm. Nếu không tiếp xúc ánh sáng mặt trời – nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên quan trọng nhất – cơ thể sẽ không hấp thụ đủ canxi, dẫn đến loãng xương âm thầm rồi gãy xương bất ngờ.
Ông cảnh báo rằng nhiều người đang hiểu sai về cách bảo vệ da, dẫn đến những thói quen phản tác dụng, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe tổng thể.

Một phụ nữ bị gãy xương do nghi ngờ thiếu vitamin D.
Ngoài ra, giới chuyên môn cũng cảnh báo một số thành phần hóa học trong kem chống nắng nếu dùng quá mức có thể gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể. Ví dụ, oxybenzone – chất phổ biến trong nhiều sản phẩm chống nắng được phát hiện có liên quan đến giảm số lượng tinh trùng ở nam giới và tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung ở nữ. Các thành phần như hương liệu tổng hợp hay retinyl palmitate (dạng vitamin A) cũng tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng và tổn thương da nếu dùng lâu dài.
Tại Việt Nam, bác sĩ da liễu Nguyễn Phương Thảo (Phòng khám Pensilia) cũng từng tiếp nhận không ít ca tổn thương da vì lạm dụng kem chống nắng. Bà cho biết nhiều phụ nữ hiện nay thoa kem chống nắng ngay cả khi đang ở trong nhà hoặc phòng kín có điều hòa, không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Điều này không cần thiết và có thể gây tác dụng ngược như bít tắc lỗ chân lông, nổi mụn, khiến da yếu đi, thậm chí tổn thương sâu hơn khi kết hợp với các hoạt chất mạnh như BHA, AHA mà không hiểu rõ cơ chế tác dụng.
Bác sĩ Thảo nhấn mạnh: Bất kỳ sản phẩm nào, kể cả chống nắng, đều cần được sử dụng đúng cách, đúng thời điểm và đúng liều lượng. Chống nắng hiệu quả không đồng nghĩa với chống lại hoàn toàn ánh nắng. T
hay vào đó, cần biết cách sử dụng hợp lý – như chỉ nên bôi kem trước khi ra ngoài khoảng 30 phút, chọn sản phẩm có chỉ số SPF và PA phù hợp và không cần bôi nếu chỉ ở trong nhà. "Chị em cũng cần nhớ rằng bôi kem chống nắng là một bước hỗ trợ, không phải “áo giáp” tuyệt đối, và cơ thể vẫn cần tiếp xúc ánh nắng vừa đủ mỗi ngày – đặc biệt vào sáng sớm để duy trì sức khỏe xương và các quá trình chuyển hóa quan trọng", BS Thảo nói.
Trường hợp gãy xương vì tránh nắng cực đoan này là một lời cảnh tỉnh cho những ai đang có tâm lý sợ nắng đến mức cực đoan. Làn da có thể trắng hơn trong chốc lát, nhưng nếu cái giá phải trả là xương yếu, nội tiết rối loạn, nguy cơ bệnh tật tăng cao thì liệu có đáng không? Theo chuyên gia, chống nắng nên là sự cân bằng giữa bảo vệ da và giữ gìn sức khỏe tổng thể, chứ không phải là cuộc chiến triệt tiêu ánh nắng bằng mọi giá.
Thanh Hiền (t/h)