Cẩn thận với video AI trên TikTok để không tự tay cài phần mềm độc hại mà không biết

(VietQ.vn) - Ngỡ là video hướng dẫn cài phần mềm miễn phí, hóa ra lại là cái bẫy do tin tặc giăng sẵn. Lợi dụng TikTok và công nghệ AI, các hacker đang khiến hàng triệu người tự tay cài phần mềm độc hại vào máy tính mà không hề hay biết.
VinFast VF 7 'đậm chất chơi' của Fabo Nguyễn tạo cơn sốt với giới hypebeast
Trí tuệ nhân tạo khiến an ninh mạng trở thành vấn đề sống còn
Áp dụng 7 công cụ kiểm soát chất lượng với ngành may mặc và cơ khí
Trong lúc các nền tảng công nghệ như Google đang nỗ lực nâng cấp bảo mật cho người dùng, với tính năng đổi mật khẩu tự động trên Chrome khi phát hiện rò rỉ, thì các hình thức tấn công mạng lại ngày càng tinh vi hơn. Mới đây, hơn 184 triệu tài khoản đã bị rò rỉ, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ bị đánh cắp thông tin thông qua phần mềm độc hại dạng "infostealer". Điều đáng lo ngại là ngay cả khi bạn không mở email lạ, không nhấn vào link đáng ngờ và chỉ cài phần mềm từ nguồn chính thống, bạn vẫn có thể bị lừa - nếu bạn xem phải một video AI trên TikTok.
Chiêu trò mới này được phát hiện bởi công ty an ninh mạng TrendMicro. Theo đó, hacker tạo các tài khoản TikTok ẩn danh, dùng công nghệ AI để tạo video có giọng đọc sinh động giống như các video hướng dẫn thường thấy. Nội dung của chúng là hướng dẫn cách "kích hoạt miễn phí" các phần mềm trả phí như Windows, Office hay Spotify. Vấn đề là, khi người dùng làm theo từng bước trong video, họ không biết rằng mình đang thực chất tải và cài phần mềm độc hại vào máy.

Người dùng TikTok cần cảnh giác với các video hướng dẫn cài đặt phần mềm
Điểm nguy hiểm nằm ở chỗ các video này không chứa liên kết, không có từ khóa khả nghi và không bị các hệ thống kiểm duyệt tự động của TikTok nhận diện là có hại. AI không tạo ra phần mềm độc hại mà chỉ đóng vai người hướng dẫn, giúp tin tặc lách luật và dễ dàng qua mặt bộ lọc nội dung. Khi tài khoản bị chặn, chúng chỉ cần tạo tài khoản mới, đăng lại video và tiếp tục hành vi lừa đảo, thậm chí mở rộng sang các nền tảng mạng xã hội khác có hệ thống kiểm duyệt lỏng lẻo hơn.
TrendMicro cảnh báo người dùng tuyệt đối không làm theo các video hướng dẫn cài phần mềm lậu từ nguồn không rõ ràng. Hãy chỉ tải phần mềm từ website chính thức, cài phần mềm bảo mật đáng tin cậy, và cảnh giác với bất kỳ nội dung nào hướng dẫn "kích hoạt vĩnh viễn", "miễn phí trọn đời" hay các chiêu trò tương tự. Nếu nghi ngờ máy bị nhiễm mã độc, cần nhanh chóng nhờ chuyên gia hỗ trợ, gỡ phần mềm lạ và đổi toàn bộ mật khẩu.
Trong bối cảnh AI ngày càng phổ biến, thủ đoạn lừa đảo sẽ tiếp tục tiến hóa. Chỉ cần một phút cả tin, bạn có thể đánh mất dữ liệu, tài khoản và cả quyền kiểm soát thiết bị của mình. Đừng để sự tò mò biến thành cái giá phải trả cho sự mất cảnh giác.
Thanh Hiền (t/h)