Lật tẩy những chiêu trò sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm ‘rởm'

author 06:50 05/08/2019

(VietQ.vn) - Nhằm qua mắt các cơ quan chức năng, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm mũ bảo hiểm đã sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Những thủ đoạn bị cơ quan chức năng “bóc mẽ”

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 26/9/2007 của Chính phủ và Luật Giao thông đường bộ, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự giao thông được nâng cao, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, tạo thành nét văn hoá giao thông trong đại đa số nhân dân; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy với người lớn đã đạt trên 90%, góp phần quan trọng đối với việc kéo giảm thương vong do tai nạn giao thông ở nước ta trong hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Tỷ lệ người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thấp; tỷ lệ trẻ em từ 06 tuổi trở lên đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện chỉ đạt ở mức 30-40%.

Đặc biệt, tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, mũ giả mũ bảo hiểm còn phổ biến và tiếp tục có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Thậm chí, có một số trường hợp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp còn sử dụng các mánh khóe, chiêu trò tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng, có hành vi sản xuất mũ giả mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Trên thị trường, vẫn có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng với những chiêu trò tinh vi. Ảnh minh họa 

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục QLCLSPHH (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, sản phẩm đạt chất lượng (theo QCVN 2:2008/BKHCN) là mũ có cấu tạo đủ 3 bộ phận là vỏ mũ, đệm hấp thu xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Ngoài ra, mũ bảo hiểm phải được Chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR và có nhãn hàng hóa kèm theo.

Trên thị trường hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm có cửa hàng, cửa hiệu, có địa chỉ rõ ràng đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định. Trong đó, các loại mũ bảo hiểm được sản xuất, bán đều có chứng nhận hợp quy, ghi rõ chất lượng, nơi sản xuất.

“Tuy nhiên, vẫn còn tổ chức hoặc cá nhân sản xuất có những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi như giấu địa chỉ nơi sản xuất, người bán mũ bảo hiểm không có địa chỉ cố định, bán rong trên vỉa hè, tranh thủ vào những lúc trời tối, sản phẩm mũ bảo hiểm chủ yếu là mũ nhập lậu, mũ rởm không qua kiểm tra chất lượng", ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, thời điểm tháng 3/2019, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục TCĐLCL, Cục QLCLSPHH đã thành lập Đoàn kiểm tra về đo lường và chất lượng trong sản xuất mũ bảo hiểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua kiểm tra 07 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đã phát hiện 05/07 mẫu mũ bảo hiểm vi phạm về chất lượng của 04 cơ sở: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Tuấn Nhung (mẫu mũ bảo hiểm hiệu T&N, kiểu 114 và mẫu mũ bảo hiểm hiệu T&N, kiểu 115); Công ty TNHH Một thành viên Kim Ngọc Tài (mẫu mũ bảo hiểm  kiểu KT3); Công ty TNHH Sản xuất Mũ bảo hiểm Lino (mẫu mũ bảo hiểm hiệu Lino, kiểu L04); Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất An Trần (mẫu mũ bảo hiểm ATN04).

Cục QLCLSPHH đã xử lý, tạm dừng sản xuất lưu thông các loại sản phẩm không đạt chất lượng, chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh xử lý và Thanh tra Sở KH&CNThành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sản xuất MBH cho người đi xe mô tô, xe máy có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2008/BKHCN đối với 04 cơ sở sản xuất MBH nêu trên, tổng số tiền phạt  27.500.000 đồng và buộc tái chế hoặc tiêu hủy các lô hàng MBH có chất lượng không phù hợp QCVN02:2008/BKHCN.

Hiện nay, Cục QLCLSPHH cũng đang tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất MBH đặc biệt là các cơ sở sản xuất MBH cung cấp cho các hợp đồng quảng cáo.

Còn theo Vụ Pháp chế - Thanh tra thuộc Tổng cục TCĐLCL, qua quá trình thanh tra kiểm tra cũng như xác minh các trường hợp vi phạm, những mánh khóe thường bị các cơ quan chức năng vào cuộc “lật tẩy” thường là kinh doanh mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn, chất lượng, giả mạo chứng nhận hợp quy trên sản phẩm.

Cá biệt, còn có những trường trên nhãn sản phẩm có ghi đầy đủ tên công ty, địa chỉ sản xuất nhưng khi cơ quan chức năng đi thực tế khảo sát thì không đúng với thông tin khai báo, thậm chí, có trường hợp còn phát hiện ra doanh nghiệp “ma”.

“Những lỗi thường gặp trong quá trình chúng tôi đi thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm thường là các hành vi như sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ bảo hiểm giả, rồi hành vi giả mạo chứng nhận, giả mạo thương hiệu.

Có trường hợp đặc biệt mà chúng tôi đã phát hiện ra cả những doanh nghiệp “ma”. Mới nhất là trường hợp sản phẩm mũ bảo hiểm An Thịnh Helmet được bán trên thị trường ghi nhãn do Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại An Thịnh (địa chỉ ghi tại 48/5C Lâm Văn Bền, Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.HCM). Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến địa chỉ nói trên thì không hề thấy doanh nghiệp nào có tên như vậy, đó là trụ sở của một doanh nghiệp hoàn toàn khác.”, đại diện Vụ Pháp chế-Thanh tra cho biết.

Thông tin về loại mũ bảo hiểm của Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại An Thịnh được quảng cáo trên Sen Đỏ.

 

Siết chặt quản lý mũ bảo hiểm trên thị trường

Trong Chỉ thị 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện được ban hành năm 2018, Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; quản lý chặt chẽ quá trình hợp quy đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu và sản xuất trong nước;

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm đối với hoạt động sản xuất mũ bảo hiểm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm và thông báo rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn và không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia;

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về chất lượng của toàn bộ mũ bảo hiểm của những đơn vị đã được Bộ và các đơn vị của Bộ cấp giấy phép. Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, xác định rõ lộ trình thực hiện, đặc biệt là nâng cao khả năng nhận biết và khả năng truy xuất nguồn gốc mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

Trên thực tế, trong thời gian qua, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, đặc biệt là Tổng cục TCĐLCL cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm.

Mới đây nhất, liên quan tới vụ việc bạn đọc phản ánh mũ bảo hiểm do Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại An Thịnh sản xuất có nhiều nghi vấn, Tổng cục TCĐLCL đã có công văn gửi các Chi cục TCĐLCL địa phương tổ chức khảo sát, kiểm tra, xử lý các mũ bảo hiểm được bán trên thị trường có dán nhãn do Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại An Thịnh sản xuất.

Tổng cục TCĐLCL cũng cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên sử dụng các sản phẩm mũ bảo hiểm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ thuộc các doanh nghiệp không có địa chỉ rõ ràng hoặc thông tin không chính xác.

Đồng thời, người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm hàng giả, hàng nhái cần thông báo tới các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật và nhằm đẩy lùi, xóa sổ các sản phẩm mũ bảo hiểm giả, nhái, kém chất lượng trong thời gian tới…

Phong Lâm

Truy tìm doanh nghiệp ‘ma’ sản xuất mũ bảo hiểm ‘dởm’(VietQ.vn) - Hàng loạt sản phẩm mũ bảo hiểm mập mờ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo chứng nhận được lưu thông trên thị trường, điều kỳ lạ công ty sản xuất được in trên nhãn sản phẩm dường như không… tồn tại.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang