Lối đi nào cho dệt may Việt Nam trong sân chơi CPTPP?

author 13:57 16/01/2019

(VietQ.vn) - CPTPP có hiệu lực, dệt may Việt Nam ước tính kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 50 tỷ USD (năm 2025), tăng gần gấp đôi năm 2015 với 27 tỷ USD.

Nền tảng của sự đột phá

Việt Nam nằm trong top 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tốc sau khi hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Trước khi gia nhập CPTPP, sự tăng trưởng của xuất khẩu Việt Nam, trong đó có dệt may gắn liền với các hiệp định tự do. Ví dụ, hiệp định thương mại Việt – Mỹ (có hiệu lực từ tháng 12/2001), mức kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 2 tỷ USD (2001).

Những năm sau, dệt may tăng trưởng trung bình gần một tỷ USD mỗi năm. Với việc gia nhập WTO năm 2007, FTA ASEAN - Nhật Bản năm 2008, ASEAN - Hàn Quốc năm 2009, con số này tăng trung bình 2 tỷ USD mỗi năm, đạt 24,7 tỷ USD năm 2014.

 CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may. Ảnh minh họa

Khi tham gia CPTPP, các chuyên gia kỳ vọng đây là sân chơi đem đến nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác. Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.

 
Ví dụ thị trường Canada, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. 42,9% kim ngạch xuất khẩu vào Canada có thuế 0% năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4. Thuế nhập khẩu của hàng dệt may vào Mexico và Peru được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2025 sẽ đạt 50 tỷ USD, tăng gần gấp đôi năm 2015 với 27 tỷ USD.
 

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt trên 36 tỷ USD. Trong đó, thặng dư thương mại đạt gần 18 tỷ USD (thặng dư thương mại cả nước là 7,5 tỷ USD). Đây được coi là lợi thế lớn của ngành dệt may trong giai đoạn hiện nay.

Một trong những nội dung của CPTPP là xóa bỏ 95 - 98% các dòng thuế quan, các dòng thuế còn lại cắt giảm theo lộ trình 5 - 7 năm. Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của dệt may, da giày.

Hiệp định cũng tạo lực hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo VITAS, dòng vốn đầu tư từ FDI và khu vực trong nước có xu hướng gia tăng. Cụ thể, doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Hưng Yên và một số tỉnh để sản xuất chỉ và phụ kiện dệt may, doanh nghiệp từ Isarel đầu tư vào Phù Cát, Bình Định, doanh nghiệp Đức đầu tư vào Đà Lạt...

Sân chơi lớn ắt có nhiều thách thức

CPTPP cũng là sân chơi có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt, trong đó có ngành dệt may. Ông Giang nhận định, Việt Nam đang đứng thứ 3 về xuất khẩu, song khoảng cách với nước đứng thứ hai là Ấn Độ chỉ khoảng 200 triệu USD. "Cơ hội để chúng ta vượt lên rất cao, nhưng thách thức của các nước khác với ta cũng rất lớn", ông Giang nói.

Hơn nữa, CPTPP có yêu cầu khắt khe về nguyên tắc xuất xứ. Đây là khó khăn không nhỏ với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ hàng dệt may đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN.

Chủ tịch Hiệp hội nhận định thêm, Việt Nam là nước nông nghiệp thuần túy, không trồng bông, 99,99% bông hiện nay nhập khẩu và 60% nhập khẩu xơ, sợi. Trong 36 tỷ tổng kim ngạch xuất khẩu, có đến 28 tỷ là từ các sản phẩm may mặc, sợi chiếm 3 tỷ, vải chiếm 1 tỷ, phụ kiện dệt may đạt gần 1 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn vải Việt Nam đang nhập khẩu là rất lớn.

Dệt may Việt còn thiếu điều kiện phát triển đầy đủ trong nước, khi nhiều địa phương quay lưng với ngành dệt nhuộm do sợ ảnh hưởng môi trường. Theo cách này, Việt Nam đang tạo kẽ hở cho các nước khác hưởng lợi từ CPTPP, còn mình thì không hưởng lợi do chuỗi dệt may không có cách nào phát triển đầy đủ để hưởng các ưu đãi thuế (tối thiểu 55% tỷ lệ nội địa hóa sản xuất mới được hưởng ưu đãi thuế quan).

Cộng đồng doanh nghiệp cần có tầm nhìn trong xây dựng chuỗi liên kết để hưởng được lợi ích từ hiệp định này. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển công nghệ, đầu tư chuẩn mực cho phát triển dệt may bền vững để gia tăng cạnh tranh.

 Triệu Vy

Hiệp định CPTPP và những 'điểm sáng' cho nền kinh tế Việt Nam(VietQ.vn) - Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích và cơ hội cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang