Mùa xuân trên lưng đồi
Những mẫu ô tô hybrid đáng mua đầu năm mới
Thiết bị sạc ô tô điện không chính hãng nở rộ, những lưu ý khi mua và sử dụng để tránh hại xe
Cơ hội mua nhà sang trúng tặng xe điện VinFast tại đại đô thị biển Vinhomes
Tính năng hữu ích trên ô tô nên dùng khi trời mưa, lạnh để đảm bảo an toàn
Khác với mùa xuân trên những rẻo cao dấu hiệu là hoa mận, hoa đào nở long lanh sau bờ rào đá. Ở trung du quê tôi, mùa xuân hiển hiện trên lưng chừng đồi. Đó là sắc xanh biếc của những búp chè tươi vươn mình trong nắng sớm. Đó cũng là lúc cả nhà tôi thức dậy từ tờ mờ sáng, mẹ nấu một nồi nếp với lạc ngâm từ đêm hôm trước. Mẹ nắm chặt thành từng nắm to chia cho mỗi người một bọc với muối vừng và ít thịt khô. Xong xuôi, cả nhà chúng tôi cùng lên đồi ngả chiếc phên tre ra và ăn nhanh bữa sáng dưới ánh nắng đầu ngày.
Những ngày xuân sớm, trời trung du vẫn lạnh tê tái, người dân quê tôi đều có mặt trên đồi để thu hái chè cho kịp cuối ngày sao. Mẹ bảo: “búp chè hái sớm còn chút sương khi hắn héo, những giọt sương ngấm vào thân chè sẽ giúp chè ngon ngọt hơn. Vậy nên, chè hái sáng sớm bao giờ cũng thơm ngon hơn là hái chiều tà”. Thế nên, quê tôi thường thu hái chè trước khi mặt trời lên đỉnh đồi. Mỗi người gùi một chiếc sọt trên lưng, với những cánh tay thoăn thoắt, các búp chè tươi được thu hái không bỏ sót một ngọn nào.
Trong sớm mát lành của ngày xuân mới ấy, cả tuổi thơ tôi đều chứa đựng trong những bình minh tinh khôi, khi ấy đưa tầm mắt nhìn những bạt ngàn sắc chè xanh, nhìn xuống xóm làng mình lọt thỏm một vùng ở chân đồi, nhìn những gương mặt thân quen của các bá, các thím với cánh tay thoăn thoắt. Tôi nhớ về những ngày xuân đã qua, những ngày xuân trên lưng chừng đồi.
Khi nhỏ những buổi nghỉ học, chúng tôi thường theo mẹ, theo chị lên lưng đồi chè. Đám nhỏ chọn một góc hái những bông hoa chè và những trái chè ra sớm chơi đồ hàng. Khi chán, chúng tôi đi tìm những quả mâm xôi mọng nước đỏ au ở ven những bờ, những bụi và nhai ngấu nghiến. Có lẽ, cái khung cảnh của buổi sớm mai ấy chỉ những đứa con trẻ trung du mới có được. Sau này, rời lưng chừng đồi về thành phố để học tập và làm việc, đứa nào đứa nấy cũng thèm muốn được quay trở lại tháng ngày trong lành như thế.
Ở quê tôi, chè sau khi được thu hái về, mẹ trải ra những chiếc nong tre và che chắn cẩn thận dưới hiên nhà để làm sao ánh nắng không chiếu trực tiếp. Mẹ bảo, phải để chè như vậy thì mới giữ được đổ ẩm mà chè vẫn héo mềm đi để khi sao chè không bị chát, nước chè khi uống có màu xanh ngọc bích và vị ngọt luôn đọng lại ở vị giác người thưởng thức.
Chè sau đi được trải ra những chiếc nong chừng một đến hai giờ đồng hồ cho độ héo vừa đủ và cũng là để bố ăn xong bữa trưa thì được bố sao trên bếp củi. Ngày nay, nhiều nhà dùng máy để sao chè cho nhanh và đỡ mất sức người. Tuy nhiên, bố tôi vẫn giữ thói quen sao chè bằng tay trên bếp củi. Bố bảo “chè sao bếp củi tuy có vất vả một chút nhưng sẽ chất lượng và thơm ngon hơn là sao máy”. Tôi cũng đã học bố sao chè bếp củi, nhưng chỉ được vài chục phút là không chịu nổi được bởi sức nóng của ngọn lửa khiến mồ hôi vã ra như tắm và hơn hết là cánh tay mỏi nhừ, thở hồng hộc. Ấy thế mà bố tôi suốt cả những năm tháng nuôi anh em chúng tôi lớn khôn, mỗi mùa chè ngày nào cũng sao như thế quần quật mười hai tiếng đồng hồ hết mẻ chè nọ đến mẻ chè kia.
Năm qua tháng lại, trong căn bếp lợp bằng lá cọ, mỗi mùa chè bố đều một mình sao chè thoăn thoắt. Bố bảo, sao chè phải đảo liên tục như rang lạc làm sao cho búp chè khô giòn đều. Nếu sao mà không đảo đều chè sẽ bị khê, khét như thế là bị hỏng nước không thơm, vị không ngọt mà đắng ngắt do cánh chè cháy. Chè ngon hay không phụ thuộc vào công đoạn sao. Đảo chè đều chè sẽ không bị vụn và khi cắn sợi chè giòn tan. Sao chè kĩ thì chè cũng bảo quản lâu hơn và có giá hơn. Người uống chè sành, họ chỉ cần nhìn sợi chè khô và cắn thử một cánh chè là biết chè đó sao máy hay sao tay.
Trước đây, mỗi dịp Tết cận kề, bố mẹ tôi thường thức suốt đêm để sao chè sao cho kịp chợ phiên mang đi bán. Năm nào chè được giá thì gia đình tôi có một cái Tết to, anh em chúng tôi mỗi đứa một tấm áo mới đón Tết. Năm nào chè mất giá thì Tết nhà tôi gần như không có gì.
Bây giờ ở quê tôi, nhiều gia đình không còn làm chè nữa cũng vì vất vả và thu nhập không cao. Đa phần các gia đình đều hái và bán lá chè tươi cho nhà máy. Chỉ còn một số ít như nhà tôi bố vẫn cặm cụi sao chè bằng tay dù tóc đã bạc trắng. Bố bảo, giờ giá chè cũng không cao mà công thì vất vả nên mỗi năm bố sao chè chủ yếu để uống và mang đi biếu các bác dưới thành phố.
Có lẽ giờ này, mùa xuân cũng đã về trên lưng chừng đồi, sắc xanh đã long lanh với sương sớm. Ở trái bếp rực lửa, bố tôi đang tất tưởi sao chè để năm mới có những giọt xanh trong long lanh ngọt lịm. Quê tôi, ngày xuân mời nhau một chén nước chè và chúc nhau năm mới sung túc, an khang ấy là phong tục cổ truyền, là nét văn hóa của miền trung du.
Hoàng Dương