Bệnh chân tay miệng tràn lan làm sao cha mẹ phòng tránh cho con?

authorHòa Lê 15:31 09/10/2018

(VietQ.vn) - Bệnh chân tay miệng đang bùng phát nhanh khiến tất cả trẻ nhỏ đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Vậy cần làm gì để phòng tránh bệnh chân tay miệng cho trẻ?

Sự kiện: Cách phòng trị bệnh

Các biện pháp phòng tránh

Bệnh chân tay miệng đang bùng phát và có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam.

Muốn con không mắc chân tay miệng cần làm ngay những điều này

 Đã có 6 trường hợp tử vong vì bệnh chân tay miệng

Theo các chuyên gia, đa số các bệnh nhân tử vong do không đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh mà tự điều trị tại nhà, khi bệnh nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện. Do vậy, nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong.

Để phòng tránh bệnh chân tay miệng, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em).

Đặc biệt là vệ sinh chân tay miệng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Sử dụng thức ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.

Muốn con không mắc chân tay miệng cần làm ngay những điều này

Để phòng tránh bệnh chân tay miệng cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng

Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cách chăm sóc trẻ bị chân tay miệng bị sốt cao

Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, trẻ sẽ sốt hơn 2 ngày (sốt hơn 39 độ). Khi bị sốt, cơ thể của trẻ sẽ rất mệt mỏi và thường xuyên quấy khóc. Trong trường hợp này cần khẩn trương hạ sốt cho bé.

Kèm với sốt trẻ sẽ bị nôn ói. Sau đó trẻ sẽ bị giật mình chới với, đi không vững, tay chân yếu, người run. Phụ huynh cần phân biệt giật mình với biểu hiện của bệnh chân tay miệng tức là lúc thiu thiu ngủ, trẻ bị nẫy người; còn trong trường hợp trẻ giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu là không phải.

Khi trẻ có những dấu hiệu trên các bác sĩ khuyên cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Để bệnh quá nặng, trẻ sẽ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh. Lúc này bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang