Muốn vươn xa, các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo tiêu chuẩn xanh

author 15:42 05/06/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hao hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thị trường nhập khẩu quốc tế ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Để không bị “loại khỏi cuộc chơi”, chuyển đổi xanh là điều tất yếu đối với doanh nghiệp Việt.

Muốn hợp tác với các tập đoàn, thị trường lớn, các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo tiêu chuẩn xanh

Những thị trường truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… ngày càng có yêu cầu cao về các yếu tố bền vững, bao gồm cả yếu tố về môi trường, xã hội, kinh tế trong toàn chuỗi cung ứng của sản phẩm. Do vậy, nhiều ngành hàng đã ghi nhận mức sụt giảm đơn hàng lên tới 30 – 40%. Điều này đã tạo nên những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Tư duy “kinh tế xanh” đã mang tính “cưỡng bức” mạnh mẽ. Các quy định về sản xuất xanh, bảo vệ môi trường và tái chế nguyên liệu thừa đã trở thành quy định nhằm tính điểm trong đơn hàng. Các doanh nghiệp đạt chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (chỉ số ESG) sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn” – TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết.

Các chuyên gia cũng cho rằng chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc, thậm chí là mệnh lệnh của thị trường. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt muốn tồn tại thì phải tuân theo mệnh lệnh đó. Tuy nhiên, để làm được điều này, với đặc thù của nền kinh tế, cần có sự nỗ lực, phối hợp từ hai phía: doanh nghiệp và Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, địa phương cũng cần đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm khai thác tối đa lợi thế của cả vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ví dụ như tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Tp. Hồ Chí Minh có lợi thế vượt trội về công nghệ, nhân lực, hạ tầng kinh tế - xã hội; có điều kiện hội nhập tốt với khu vực và thế giới… Do vậy, địa phương này sở hữu tiềm năng to lớn để chuyển dịch mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, cần trở thành “đầu tàu” của cả vùng kinh tế phía Nam nói riêng cũng như toàn quốc nói chung.

Trong khi đó, các địa phương còn lại trong vùng đang dẫn đầu về đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch thì cần liên kết lại với nhau để khai thác tối đa nguồn lực, hình thành những khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị - công nghiệp, dịch vụ sinh thái hiện đại, có tính cạnh tranh cao. Theo ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh cần đón vai trò “nhạc trưởng”, chủ động dẫn dắt và liên kết vùng trong chiến lược chuyển đổi xanh về nghiên cứu mô hình chuyển đổi xanh cho từng ngành. Cùng với đó, với vai trò là trung tâm nghiên cứu lớn nhất Việt Nam, Thành phố cần tăng cường hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ xanh như LEED, cập nhật chương trình đào tạo… Trong đó, chú trọng công tác nghiên cứu về cơ chế CBAM, tín chỉ carbon để tạo lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu với các thị trường trọng điểm như EU, Nhật, Mỹ... Cùng quan điểm đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: “Nếu như trước đây Việt Nam chỉ thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày thì giờ đây chúng ta đang chú trọng thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, có tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đến từ khu công nghệ cao. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dần thay thế các doanh nghiệp FDI trong việc cung ứng nguyên liệu sản xuất trong nước”.

EGS Ià chìa khóa quan trọng trong quá trình dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa 

“Vấn đề quan trọng là phân công và hợp tác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ giữa các địa phương để khai thác lợi thế của cả vùng; liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm khác để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về đầu tư trong nước và FDI để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dẫn tới liên kết vùng không bền vững. Điều này được thể hiện qua việc thu hút nguồn lực của các địa phương, người lao động đổ dồn về những đô thị trung tâm, quá sức chịu đựng, một số khu vực không còn động lực phát triển”, GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) Việt nỗ lực trong giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ESG tại DN gặp một số khó khăn.

Thứ nhất song hành với ESG có các bộ tiêu chuẩn khác đang được những tổ chức đánh giá sử dụng nên DN khó lựa chọn áp dụng. Thứ hai, chi phí nguồn lực của DN Việt còn yếu. Nhiều DN mong muốn phát triển theo hướng bền vững song còn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ, chưa thể thay thế ngay công nghệ mới.

EGS Ià chìa khóa quan trọng trong quá trình dịch chuyển tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng nhìn nhận trên, ông Huỳnh Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty LeanWares, cho biết xu hướng các xưởng gia công ở Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia là cơ hội tốt cho DN Việt tiếp cận nguồn đầu tư từ các nước. Tuy nhiên, DN đối mặt với thách thức phải đạt các tiêu chuẩn xanh, trong đó có ESG vì những “ông lớn” như Apple cam kết đến năm 2030 chuỗi cung ứng của họ sẽ đạt phát thải cacbon bằng 0. Nếu DN Việt muốn chen chân vào chuỗi cung ứng đó, hoặc muốn trở thành công ty vệ tinh của các “ông lớn” bắt buộc thay đổi, tiến hành ESG.

Khó đáp ứng, doanh nghiệp phải rời thị trường

Ông Huỳnh Thanh Trung cho biết, thực tế hiện nay nhiều DN ngành hàng dệt may, gỗ... đang khó khăn do không có đơn hàng nhưng vẫn sản xuất để tồn kho, chưa kể công nợ của khách hàng kéo dài, lãi vay cao. Vì vậy, DN nào không đủ tài chính dự phòng sẽ khó khăn duy trì kinh doanh. “Do đó, để làm ESG không dễ dàng, đòi DN phải chuẩn bị nguồn lực rất lớn. Đơn cử một nhà máy chuyên về nội thất (Bình Định) sau 20 năm kinh doanh buộc phải chuyển sang sản xuất dòng hàng mới là nhiên liệu sinh khối. Nguyên nhân là trong khi đơn hàng sụt giảm, DN vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Điều này quá phức tạp, tốn kém ” - ông Trung chia sẻ. 

Ông Trung cho biết, chưa kể chi phí đầu tư, tính riêng về thời gian, nếu xây dựng một nhà máy mới hoàn toàn đạt tiêu chuẩn xanh nhanh nhất là hai năm. Một nhà máy cũ, tùy mức độ, nếu đạt 80% cơ bản thì chỉnh sửa một chút về hạ tầng, hệ thống, đào tạo nhân sự …để một bên độc lập đến đánh giá phải mất sáu đến chín tháng. Đây là áp lực lớn cho DN Việt Nam. “Các thương hiệu lớn trên thế giới đưa ra xu thế để các nhà gia công phải tuân thủ theo. Đây là sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường. Nhiều DN Việt đang đứng trước ngã ba đường là bỏ cuộc chơi, tái cấu trúc để thích ứng từ từ hay phải đầu tư xanh. Hiện một phần nhỏ DN tái cấu trúc chờ thích ứng, DN có điều kiện triển khai xanh cũng rất ít” - ông Trung nói.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang