Nâng cao năng suất lao động từ phát triển kinh tế tư nhân

author 16:23 06/08/2019

(VietQ.vn) - Nếu muốn cải cách NSLĐ của nền kinh tế, nên tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân. Cần tạo ra môi trường kinh doanh để họ có thể sản xuất với mức chi phí thấp nhất, hạn chế các rào cản, từ đó cải thiện khả năng tổ chức, sản xuất, tăng năng suất lao động hiệu quả…

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, năng suất lao động (NSLĐ) xã hội là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Cách tính này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.

 Năng suất lao động ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa.

Cụ thể, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm.

Có thể nói, NSLĐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm; tăng NSLĐ đạt 4,35%/năm, thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng NSLĐ đạt tốc độ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm nên GDP tăng trưởng bình quân đạt tốc độ 6,7%/năm.

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước trong khu vực. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

 PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nâng cao NSLĐ là quá trình cần thời gian dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn với hàng loạt các hành động đồng bộ từ việc mở rộng thị trường cho những sản phẩm mà chúng ta đang có lợi thế, tích lũy vốn, mở rộng sản xuất cho khu vực tư nhân để họ có sự phát triển tốt hơn. Cùng với đó, cần có nỗ lực để cải cách về tái cơ cấu và cải cách chất lượng lao động.

“Nếu muốn cải cách NSLĐ của nền kinh tế, nên tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân. Cần tạo ra môi trường kinh doanh để họ có thể sản xuất với mức chi phí thấp nhất, hạn chế các rào cản, từ đó cải thiện khả năng tổ chức, sản xuất, tăng năng suất lao động hiệu quả”, ông Thành nhấn mạnh và khẳng định, bên cạnh những chính sách mở của của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần tự thân trang bị kiến thức để tăng năng suất.

‘Chìa khóa’ nào giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất?(VietQ.vn) - Mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại, hoàn thiện dần hệ thống dây chuyền sản xuất đã giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang