Nét đẹp phong tục hóa vàng ngày Tết của người Việt

author 12:48 24/01/2023

(VietQ.vn) - Hóa vàng được coi là lễ cúng có ý nghĩa tiễn đưa gia tiên về cõi âm. Đây cũng là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam nhằm cầu mong các cụ phù hộ may mắn, bình an.

Những phong tục trong ngày Tết Nguyên đán là tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt. Một trong số đó chính là tục hóa vàng tiễn ông bà, tổ tiên về lại âm thế.

Trong văn hóa người Việt luôn quan niệm sau khi mời tổ tiên về dự 3 ngày Tết với con cháu, đến ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết, con cháu cần thực hiện lễ hóa vàng để đưa tiễn ông bà, tổ tiên. Theo cuốn “Tục thờ cúng của người Việt” - tác giả Bùi Xuân Mỹ (NXB Văn hóa Thông tin), lễ hóa vàng mang ý nghĩa tiễn đưa các cụ trở lại thế giới bên kia, đồng thời thể hiện được lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên.

Với quan niệm "Âm dương dị đồng nhất lý" nên đã có mời thì phải có đưa mới đúng lễ. Nếu như lễ cúng vào chiều ngày 30 Tết với ý nghĩa để mời tổ tiên về ăn Tết thì lễ cúng vào ngày mồng ba để tiễn đưa các cụ trở lại thế giới bên kia.

Lễ hóa vàng sau Tết để tiễn đưa ông bà, tổ tiên trở về âm cảnh.

Lễ hoá vàng có thể được các gia đình tổ chức từ ngày mùng 3 đến mùng 5, mùng 7 hoặc mùng 10 âm lịch.

Lễ vật hóa vàng thường được chuẩn bị tương tự như đồ lễ cúng gia tiên của gia chủ, thường bao gồm: Hương, hoa, ngũ quả, vàng mã, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét), xôi. Cùng với đó là mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay với các món ăn mang đặc trưng ngày Tết. Trong trường hợp cúng cỗ mặn thì không thể thiếu con gà trống, bát canh, đĩa xào, giò hay nem rán. Con cháu trong nhà sẽ lễ tạ thần Phật, gia tiên.

Cũng theo quan niệm dân gian, trong lễ hóa vàng, người dân thường đốt vàng mã vì nghĩ rằng "trần sao âm vậy". Và hoá vàng chính là việc con cháu gửi đồ dùng, tiền vàng đã chuẩn bị trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết cho người cõi âm.

Người ta thường hoá vàng ở giữa sân hoặc ở những vị trí sạch sẽ, khô thoáng. Khi giấy tiền vàng được đốt hết, gia chủ sẽ đổ một chén rượu cúng vào đống tro vàng mã để đồ cúng được chuyển đến đúng người nhận. Một số nhà còn hơ cây mía trên ngọn lửa hóa vàng để người cõi âm có gậy chống. Sau khi cúng tạ, đưa tiễn ông bà về thế giới bên kia, coi như là hết Tết, gia chủ sẽ bắt đầu một năm mới với niềm vui hạnh phúc và cầu chúc một năm bình an.

Các ngày giờ đẹp làm lễ hóa vàng trong năm 2023:

Mùng 3 Tết (tức thứ Ba, ngày 24/1 Dương lịch): Giờ Quý Mão (5h-7h), giờ Bính Ngọ (11h-13h), giờ Mậu Thân (15h-17h), giờ Kỷ Dậu (17h-19h).

Mùng 4 Tết (tức thứ Tư, ngày 25/1 Dương lịch): Giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).

Mùng 5 Tết (tức thứ Năm, ngày 26/1 Dương lịch): Giờ Mão (5h-7h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Tuất (19h-21h).

Mùng 8 Tết (tức Chủ Nhật, ngày 29/1 Dương lịch): Giờ Thìn (7h-9h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).

 Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang