Ngành dệt may nỗ lực phục hồi, dự kiến tăng trưởng 11,2% năm 2021

author 20:01 07/12/2021

(VietQ.vn) - Năm 2021, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Có thể nói, đây là nỗ lực lớn của toàn ngành trong bối cảnh tốc độ phục hồi kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.

Từ ngày 1/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 với việc thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Đây được đánh giá là chiến lược đúng đắn, linh hoạt, là động lực rất lớn để doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp từng bước đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng trong quý III/2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt. Năm 2021, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Có thể nói, đây là nỗ lực lớn của toàn ngành trong bối cảnh tốc độ phục hồi kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại. 

Ngành dệt may dự kiến tăng trưởng 11,2% trong năm 2021. Ảnh minh họa.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Hiệp hội dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2022 vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trên nền tảng khả quan của năm 2021, sang năm 2022, ngành dệt may sẽ xây dựng 3 kịch bản phát triển. Trong đó, kịch bản thứ nhất là nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát cơ bản ngay từ đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu khá tham vọng, hướng đến 42,5  - 43,5  tỷ USD trong năm 2022.

Ở kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát về cơ bản vào giữa năm 2022, ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 40 - 41 tỷ USD.

“Trong tình hình xấu hơn với kịch bản thứ 3, khi biến chủng Omicron đang bùng phát tại nhiều nước trên thế giới và khả năng kiểm soát dịch bệnh có thể kéo dài đến cuối năm 2022, với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn có thể đạt mức xuất khẩu từ 38 – 39 tỷ USD”, ông Cẩm nêu rõ.

Để giúp doanh nghiệp ngành dệt may hoạt động một cách ổn định, có điều kiện phục hồi sau dịch và phát triển một cách bền vững, ông Cẩm cho biết, ngành dệt may xác định tiếp tục kế hoạch tiêm vaccine cho người lao động, coi việc chống dịch là công việc quan trọng nhất.

“Việc chống dịch thành công là sự đảm bảo quan trọng cho việc hồi phục và phát triển kinh tế nói chung và của ngành dệt may nói riêng. Để làm được điều này, Nhà nước phải tìm mọi cách để tiêm vaccine nhiều hơn, nhanh hơn và có thể phải tính đến phương án tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người lao động. Có như vậy, Việt Nam mới có thể giao lưu với thế giới cũng như đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu dệt may cùng các hoạt động sản xuất kinh doanh khác phát triển tốt hơn trong điều kiện bình thường mới”, ông Cẩm cho hay.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang