Ngành gỗ cần tăng tốc chuyển đổi số

author 08:47 22/07/2022

(VietQ.vn) - Ngành gỗ Việt Nam cần tích cực chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu đạt 20 tỷ USD.

Theo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030. Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

 Ngành gỗ cần tích cực chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất và chất lượng.

Để làm được điều này, chuyển đổi số cần diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Kênh truyền thống (Offline) cần thay đổi nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (Online), cũng như ứng dụng công nghệ để chuyển lượng sản phẩm gia công sản xuất, xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ các nhãn hàng quốc tế (OEM) thành sản phẩm riêng (ODM)... nâng sức cạnh tranh, tạo lợi nhuận cao. 

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cần thay đổi tư duy, sự thích nghi để tạo ra làn sóng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hình thành và đẩy mạnh liên kết giữa các đơn vị, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cũng như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, tồn tại hiện nay là nhiều doanh nghiệp trong nước đang loay hoay trước “làn sóng” chuyển đổi số và không biết nên ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào cho phù hợp với mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như chi phí hợp lý, vận hành hiệu quả. Vì để “số hoá” thì chi phí cho ứng dụng công nghệ thông tin khiến nhiều doanh nghiệp chùn tay.

Ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó tổng giám đốc AA Corporation cho rằng, các CEO (Giám đốc điều hành) nếu không có nền tảng hiểu biết về công nghệ thì nên ở vị trí COO (Giám đốc vận hành). Vì nếu không số hoá hoạt động sẽ đánh mất nhiều lợi thế sử dụng IT trong sản xuất, kinh doanh.

“Thực ra, chuyển đổi số là chuyển đổi suy nghĩ của ban lãnh đạo, “vẽ lại DNA” của các thủ lĩnh trong tổ chức. Ai không phù hợp thì thay đổi hoặc chuyển đổi. Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin nghĩa là bạn đang không làm đúng nghĩa vụ phải làm, chưa nói đến sự sáng tạo, sáng kiến, cũng như lãng phí một công cụ giúp điều hành công việc hiệu quả, năng suất cao”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Chia sẻ về thách thức khi chuyển đổi số, ông Đặng Vĩnh Lập, Giám đốc công nghệ thông tin AA Corporation cho biết công ty phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống ứng dụng. Đối với AA cần thêm mảng quản lý công trình và các nhóm tích hợp với nhau, ngoài ra phải có kiểm soát (tần suất tuỳ đối tượng, hạng mục).

Ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp công ty thành công trong đầu tư thiết kế, phát triển sản phẩm riêng (ODM) với thương hiệu nội thất cao cấp George Bensley, thay vì chỉ gia công sản xuất, xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ các nhãn hàng quốc tế (OEM), cách mà phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang theo đuổi.

 Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang