Cải thiện năng suất lao động ngành chế biến gỗ, hướng đến phát triển bền vững

author 07:16 26/03/2022

(VietQ.vn) - Điểm yếu của ngành chế biến gỗ Việt Nam là phát triển tự phát, không có quy hoạch, định hướng ngay từ đầu. Thiếu thông tin cơ bản về thị trường dẫn đến chấp nhận giá thấp hơn để có thể đạt được đơn hàng. Năng suất lao động chưa cao, thiết kế, kỹ năng marketing, quản trị sản xuất của các doanh nghiệp còn yếu.

Những năm gần đây, ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất của Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 2 con số đã giúp cho ngành đứng trong top 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất, là nước xuất khẩu lớn thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ năm thế giới với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.

Cải thiện năng suất lao động ngành chế biến gỗ, hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa. 

Theo báo cáo, mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 20 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20,4 tỷ USD; hơn 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra, điểm yếu của ngành chế biến gỗ Việt Nam là phát triển tự phát, không có quy hoạch, định hướng ngay từ đầu. Đầu tư thiết kế sản phẩm, nghiên cứu phục vụ sản xuất cho ngành chưa nhiều, thiếu thực tế; đầu tư nhà máy trên diện rộng, thiếu chuyên môn sâu. Đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực đầu tư yếu nên công nghệ sản xuất chưa xứng tầm với quy mô của ngành. Mức độ phối hợp giữa các doanh nghiệp trong ngành chưa cao, tạo ra áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành, làm suy yếu khả năng cạnh tranh bên ngoài.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng nhanh xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng khác trong quản lý như thiếu marketing, thiếu đào tạo, chất lượng đào tạo, sự đầu tư dàn trải làm tăng chi phí quản lý, khấu hao… là những vấn đề chưa được chú ý giải quyết. Thiếu thông tin cơ bản về thị trường dẫn đến chấp nhận giá thấp hơn để có thể đạt được đơn hàng. Năng suất lao động chưa cao, thiết kế, kỹ năng marketing, quản trị sản xuất của các doanh nghiệp còn yếu.

Vì vậy, để ngành gỗ phát triển nhanh, bền vững cần nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chú trọng phát triển thị trường trong nước. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi, liên kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo. Đặc biệt chú trọng phát triển trồng rừng, tạo nguồn cung nguyên liệu chủ động, xây dựng mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững…

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang