Hai người đàn ông gặp nguy kịch do uống rượu ngâm rễ cây hồi

authorVân Thảo 12:14 14/08/2024

(VietQ.vn) - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận hai trường hợp bệnh nhân nam bị ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây hồi.

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thông tin, hai trường hợp bệnh nhân nam có địa chỉ tại Văn Quan – Lạng Sơn) vào viện trong trạng thái co giật, hôn mê sâu và ngừng thở.

Theo lời kể của người nhà, trước vào viện, 02 bệnh nhân có sử dụng rượu ngâm rễ cây (nghi ngờ là rễ cây hồi, gia đình sử dụng để xoa bóp ). Sau uống rượu hai bệnh nhân xuất hiện kích thích, co giật, gọi hỏi không trả lời kèm tím tái toàn thân. Gia đình đưa hai bệnh nhân tới bệnh viện.

Tại đây, các bác sĩ xác định chẩn đoán tình trạng ngộ độc cấp tính, diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao. Xét nghiệm cho thấy tình trạng suy đa tạng, tiêu cơ vân cấp, toan chuyển hóa nặng, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính sọ não đã cho thấy tổn thương.

Các biện pháp hồi sức tích cực được nhanh chóng thực hiện, 02 bệnh nhân đã được đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng các loại thuốc hỗ trợ. Sau 3 ngày điều trị tích cực tình trạng lâm sàng của hai bệnh nhân đã có xu hướng cải thiện, thoát hôn mê, dấu hiệu toan chuyển hóa hồi phục và đã được rút ống nội khí quản, thở oxy. Tuy nhiên các xét nghiệm cho thấy tình trạng tiêu cơ vân còn rất nặng nề, nguy cơ suy thận tiến triển nên hai bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa.

Ngộ độc rượu ngâm rễ cây hồi khiến hai người đàn ông nguy kịch

Thông tin về rượu ngâm rễ cây, bác sĩ Nguyễn Thành Đô – Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, sử dụng các loại thực vật (hoa, lá, thân, rễ) ngâm rượu là thói quen của nhiều người dân trong địa phương để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như uống, làm thuốc, xoa bóp...

Tùy vào tính chất có trong các loại thực vật sẽ có tác dụng khác nhau. Cây hồi (tên khoa học là Illicium Verum Hook) là loại cây được trồng nhiều tại các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn với tính ứng dụng cao trong đời sống ẩm thực, văn hóa và một loại thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, trong thân, rễ, lá của cây hồi có hàm lượng chất độc tính là veranisatin, nếu sử dụng nhiều, kéo dài, đặc biệt sử dụng cùng rượu – nhất là đường uống sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương các tế bào thần kinh gây hôn mê, co giật và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bị ngộ độc rượu, bệnh nhân sẽ có biểu hiện như hưng phấn, kích thích, cảm xúc không ổn định. Triệu chứng nặng hơn có thể là thở yếu, thở khò khè, giảm thân nhiệt, hôn mê, đặc biệt là trụy tim mạch dẫn đến tử vong. Có 2 loại ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (Methanol).

Ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) bao gồm ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây “say” và 4-6g/lít có thể gây tử vong.

Với ngộ độc rượu cấp tính, ở giai đoạn đầu, người bệnh có biểu hiện nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát, kích động. Giai đoạn sau có phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi. Hơi thở của bệnh nhân có mùi rượu, buồn nôn, nôn đau bụng; khó thực hiện các động tác đơn giản; nói líu; đi lảo đảo; biểu hiện lơ mơ, nhìn mờ, lờ đờ; có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp. Ngộ độc rượu mạn tính do uống rượu kéo dài khiến người bệnh sút cân; chán ăn; tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da niêm mạc nhợt do thiếu máu; xơ gan; ung thư.

Ngộ độc rượu Metylic (Methanol) xảy ra khi uống nhầm Methanol hoặc uống rượu có chứa Methanol. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, ô xy hóa thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của Methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt.

Trường hợp ngộ độc Methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.

Để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc rượu, người tiêu dùng cần chú ý tới nguồn gốc xuất xứ, thành phần có trong loại rượu đang uống. Tuyệt đối không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Người tiêu dùng cũng không uống rượu khi không rõ nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Đặc biệt theo bác sĩ Nguyễn Thành Đô khuyến cáo, người dân không dùng các loại thực vật ngâm rượu xoa bóp để uống, chế biến đồ ăn. Không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Khi có triệu chứng ngộ độc như nôn, buồn nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng hay đặc biệt như hôn mê, co giật, mất ý thức, phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị, tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Rượu phải công bố hợp quy trước khi đưa ra thị trường

Liên quan tới việc quản lý sản phẩm rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Nghị định quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2017.

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn, bán lẻ, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã.

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

Vân Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang