Nhận diện 'kẽ hở' cho hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử
Tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử
Cảnh giác ba thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua sàn thương mại điện tử
Việt Nam dự kiến sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á
Theo thống kê của Bộ Công thương năm 2021, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2020). Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, việc kinh doanh thương mại không chỉ dừng lại trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo, mà còn mở rộng sang các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok.
Điều này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho hành vi giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) gia tăng. Chỉ riêng năm 2021, lực lượng Quản lý Thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT với số tiền xử phạt lên tới 20 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là việc Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý vững chắc và bắt kịp sự thay đổi của thực tiễn. Hiện nay, hệ thống quy phạm pháp luật về SHTT trong môi trường TMĐT còn quy định rải rác tại nhiều văn bản, thiếu đồng bộ, thiếu tính khả thi trên thực tế. Việc quy định các điều luật thiếu tính thống nhất khiến việc áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.
Đến nay, Quốc hội đã thông qua 4 văn bản luật có tính chất đặt nền tảng pháp lý cho hoạt động TMĐT nói chung và bảo vệ quyền SHTT trong nền tảng TMĐT nói riêng, bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử. Trên thực tế, TMĐT và giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT trong lĩnh vực TMĐT phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật khác như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Quảng cáo, Luật Đầu tư… Ngoài các văn bản luật, Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác cũng ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể các hoạt động liên quan trong TMĐT.
Nhìn chung, những văn bản pháp luật này đã giúp nhà nước định hướng phát triển ngành TMĐT tại Việt Nam, là công cụ để cơ quan quản lý điều tiết, quản lý các hoạt động TMĐT, hạn chế tình trạng vi phạm các quyền SHTT, tranh chấp trong TMĐT. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, tốc độ phát triển của TMĐT đang ngày một mạnh mẽ vượt ra khỏi phạm vi quản lý của luật pháp, nhiều quy định của pháp luật vô hình đã trở thành rào cản phát triển của các hoạt động TMĐT, các doanh nghiệp loay hoay tìm giải pháp do có quá nhiều văn bản luật điều chỉnh, nhiều quy định còn thiếu thực tế, các quy định đôi khi triệt tiêu lẫn nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng.
Ảnh minh hoạ
Cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của mạng xã hội, các trang TMĐT ra đời và nhanh chóng nhận được sự đón nhận của đông đảo người tiêu dùng, đặt ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin trên các trang TMĐT. Đây là vấn đề đã được pháp luật quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT.
Tại Điều 30 của Nghị định đã bổ sung quy định về các thông tin bắt buộc mà người bán phải cung cấp trên website để người mua có thể xác định được các đặc tính của hàng hóa cùng đặc điểm khác về nhà cung cấp nhằm xác nhận nguồn gốc xuất xứ, tránh tình trạng làm giả. Đặc biệt, từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, khiến người dân hạn chế ra đường, hạn chế tiêu dùng trực tiếp tại cửa hàng, đây là cơ hội cho các trang mua sắm trực tuyến có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn.
Việc mua bán trên các trang TMĐT diễn ra sôi động, mang lại nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người bán lẻ. Tuy nhiên, việc mua sắm trên các trang mạng điện tử khiến nguy cơ vi phạm về quyền SHTT trong môi trường TMĐT gia tăng. Nhìn chung, việc mua sắm trên các trang thông tin điện tử bên khách hàng sẽ là bên yếu thế hơn vì chỉ được tìm hiểu các sản phẩm qua miêu tả của bên bán.
Việc không được trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm cùng với việc pháp luật hiện quy định chưa chặt chẽ về các giao dịch mua bán trên các trang TMĐT, tạo ra nhiều lỗ hổng cho gian thương trục lợi, khiến hàng giả, hàng nhái, hàng lậu tiêu thụ trên thị trường khó kiểm soát. Các chủ cửa hàng cố ý khai sai, thiếu thông tin, còn các trang mạng điện tử vẫn thể hiện nhiều sai sót trong việc xét duyệt các loại mặt hàng, gây ra nhiều bất lợi cho người mua.
Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về SHTT trong môi trường TMĐT chưa thực sự hiệu quả. Tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT đã quy định những hành vi bị cấm trong TMĐT, quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các thương nhân cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT.
Những quy định này trên thực tế đã tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho TMĐT, giúp nâng cao uy tín với người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của giao dịch điện tử ở Việt Nam hiện nay, những quy định trên chưa thực sự hiệu quả.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong số đơn nhận được từ đầu năm 2019 đến nay, có đến 60% số đơn liên quan đến vi phạm quyền SHTT trong TMĐT. Hành vi vi phạm quyền SHTT trong TMĐT chủ yếu là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tranh chấp tên miền, giao dịch mua bán hàng giả, hàng nhái…
Các sàn TMĐT chưa thực sự làm tốt vai trò kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn ra thường xuyên, các hành vi vi phạm quyền tác giả như: tự ý sử dụng hình ảnh mà chưa có sự cho phép của chủ sở hữu, hành vi tạo logo sản phẩm có tính trùng lặp với thương hiệu nổi tiếng, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường… Điều này thể hiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về SHTT còn hạn chế, chưa kịp thời nắm bắt được tính mới của TMĐT, các biện pháp xử lý chưa triệt để khiến số lượng tranh chấp SHTT trong TMĐT ngày càng gia tăng.
Về chế tài xử phạt vi phạm quyền SHTT trong môi trường TMĐT, hiện nay, biện pháp hành chính được lựa chọn áp dụng rộng rãi để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT trong TMĐT. Điều này xuất phát từ tính đơn giản, nhanh gọn và kịp thời trong công tác xử lý. Bởi lẽ, nếu trong tố tụng các chủ thể bị đặt nặng nghĩa vụ chứng minh thì trong biện pháp hành chính, nghĩa vụ chứng minh được giảm nhẹ hơn rất nhiều. Các chủ thể chỉ cần nộp đơn yêu cầu kèm theo tài liệu, chứng cứ, sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh xử lý. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc xâm phạm quyền SHTT lẽ ra phải được giải quyết bằng biện pháp dân sự thì đều bị “hành chính hóa”.
Bên cạnh đó, so với biện pháp dân sự, biện pháp hành chính cũng chưa ưu tiên bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền. Cụ thể, nếu biện pháp dân sự bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản của chủ thể quyền bằng việc yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần theo nguyên tắc “thiệt hại tới đâu bồi thường tới đó” thì biện pháp hành chính xử lý vi phạm chủ yếu theo hình thức phạt tiền. Số tiền này sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, do đó phía chủ thể quyền không được bồi thường một cách thỏa đáng. Thêm nữa, hiện nay, thẩm quyền xử phạt hành chính quy định tại Điều 15 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được trao cho rất nhiều cơ quan. Điều này gây chồng chéo về mặt thẩm quyền, các cơ quan không có cơ chế phối hợp thực hiện một cách hiệu quả, còn đùn đẩy trách nhiệm khi có vướng mắc, vi phạm xảy ra.
Bảo Lâm