Nhận thức của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại có sự cải thiện mạnh mẽ

author 08:51 28/03/2023

(VietQ.vn) - Phần lớn doanh nghiệp trong nước đã có nhận thức khá tốt về phòng vệ thương mại. Trong đó có những doanh nghiệp đã coi việc điều tra phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế; đã xây dựng phòng, ban, đội ngũ nhân sự chuyên môn hóa cho việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.

Hiện nay, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi mục đích của việc làm này chính là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập.

Cụ thể, phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

Với việc tham gia và ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang là nền kinh tế có độ mở lớn. Năm 2021, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gần 670 tỷ USD. Tuy nhiên, khi quy mô xuất khẩu càng lớn thì Việt Nam càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Việc sản phẩm thép của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Ảnh minh họa.

Đơn cử như đối với sản phẩm thép, theo bà Trang Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc sản phẩm thép bị điều tra phòng vệ thương mại xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân khách quan xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng, nhiều quốc gia có xu thế bảo hộ ngành thép, từ đó dẫn đến số vụ việc phòng vệ thương mại với thép đối với các nước gia tăng. Nguyên nhân chủ quan là sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam có giá thành tương đối cạnh tranh do chi phí nhân công rẻ, các doanh nghiệp đang dần tự sản xuất nguyên liệu đầu vào thép cán nóng… đe dọa lợi nhuận của doanh nghiệp nước sở tại.

Cũng theo bà Hà, điều đáng mừng là dù đối diện với nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhưng các doanh nghiệp ngành thép đã dần chủ động sẵn nhân lực, cũng như hệ thống tài chính sổ sách kế toán, hợp tác với các đối tác để tích cực phối hợp cung cấp thông tin khi cơ quan điều tra của nước sở tại đề nghị. Ngoài ra, trong quá trình tham gia các vụ việc, doanh nghiệp ngành thép đã dần tiếp cận và chủ động tăng cường khả năng cạnh tranh, tiếp cận bạn hàng và mở rộng ra các thị trường mới.

Đánh giá chung của Bộ Công thương cũng chỉ ra, hiện tại phần lớn doanh nghiệp trong nước đã có nhận thức khá tốt về phòng vệ thương mại. Có những doanh nghiệp đã coi việc điều tra phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế; đã xây dựng phòng, ban, đội ngũ nhân sự chuyên môn hóa cho việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Cùng với đó, công tác phòng vệ thương mại đã đạt được bước phát triển vượt bậc cả về hệ thống chính sách, pháp luật, giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển.

Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, doanh nghiệp cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp. Cũng như tích cực triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra…

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang