Nhiều phòng trọ ở các thành phố lớn không đáp ứng tiêu chuẩn PCCC

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận hiện nay tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh nhiều phòng trọ không có lối thoát có nguy cơ buộc phải dừng hoạt động vì không đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo tiêu chuẩn.
Thúc đẩy tiêu dùng xanh: Doanh nghiệp Việt cần thích ứng để xuất khẩu bền vững
Cẩn trọng để không 'sập bẫy' khám bệnh miễn phí nhưng bán thực phẩm chức năng giá cao
Hải Dương: Xử phạt 270 triệu đối với 2 doanh nghiệp vi phạm quy định PCCC
Nhiều phòng trọ không lối thoát nạn, hố chờ thang máy thành phòng ở
Ghi nhận tại phố Quang Tiến (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) - khu vực tập trung nhiều nhà dân cho thuê trọ cho thấy, nhiều cơ sở đang đứng trước nguy cơ buộc phải dừng hoạt động vì không đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Anh Trần Tiến - chủ một khu trọ tại đây cho biết, trong đợt kiểm tra cuối năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm tại cơ sở của anh như không đảm bảo lối tiếp cận cho xe chữa cháy, thiếu giải pháp ngăn cháy lan giữa cầu thang và hành lang, hệ thống báo cháy và họng nước chữa cháy chưa đầy đủ...
Không chỉ riêng tại Nam Từ Liêm, qua kiểm tra tại nhiều quận khác, lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy tại các nhà trọ vẫn diễn ra phổ biến.
Đơn cử, tại quận Tây Hồ, sau khi kiểm tra 1.496 cơ sở nhà trọ, lực lượng chức năng đã xử phạt 3 trường hợp vi phạm PCCC với số tiền 10,5 triệu đồng; đồng thời xử phạt 8 lượt vi phạm tại các chung cư, số tiền lên tới 241 triệu đồng. Đáng chú ý, trong số 19 nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) và 290 cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao được kiểm tra, nhiều nơi vẫn tồn tại sai phạm như không đảm bảo lối thoát nạn, vi phạm quy định về kết cấu phòng cháy, chữa cháy.

Tình trạng phòng trọ cho thuê tại thành phố Hà Nội không đáp ứng các yêu cầu về PCCC. Ảnh: Lao Động
Điển hình, tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, nhà trọ, cơ quan chức năng đều ghi nhận sự lơ là trong việc chấp hành quy định PCCC. Đặc biệt, tại một nhà nghỉ trong ngõ 16 An Dương Vương, dù đã nhiều lần bị nhắc nhở làm vách ngăn chống cháy, chỉnh sửa cầu thang kín theo quy định nhưng chủ cơ sở vẫn chưa thực hiện. Hệ thống báo cháy, báo khói cũng mất tác dụng do hết pin.
Một trường hợp khác tại ngõ 42 An Dương Vương, căn nhà 5 tầng chỉ rộng hơn 30m² nhưng được ngăn thành 8 phòng trọ, không có lối thoát nạn. Thậm chí, hố chờ thang máy cũng bị tận dụng làm phòng ở, gia tăng nguy cơ thảm họa nếu xảy ra cháy.
Tương tự, tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê từ Sở Xây dựng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 1,4 triệu người thuê chủ yếu là công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc thiếu quy định cụ thể về tiêu chuẩn xây dựng với nhà trọ, phòng cho thuê đã tạo điều kiện cho những nhà trọ, phòng trọ lụp xụp, chật chội, nguy cơ mất an toàn về PCCC tồn tại.
Kết quả khảo sát ban đầu mới đây của Sở Xây dựng cho thấy có khoảng 12.800 công trình/60.500 công trình (chiếm tỉ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Trong đó khoảng 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn bình quân tối thiểu và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy chữa cháy.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), cho biết đa số khu nhà trọ kiểu dãy nhiều phòng thường lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, PCCC. Một phần lý do là trước đây các thông tư của Bộ Xây dựng quy định chưa thật chặt chẽ tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế phòng trọ.
Mới nhất, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố giao Sở này chủ trì đề án xây dựng tiêu chí về diện tích tối thiểu (dự kiến là 5m2 sàn/người) để có giới hạn số lượng người/phòng; giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhà trọ.
Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đề xuất ban đầu một số tiêu chuẩn tối thiểu mà nhà riêng lẻ cho thuê trọ phải bảo đảm như: diện tích tối thiểu bình quân sàn/người (dự kiến 5m2); hẻm xây dựng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu là 4m và cách mặt đường chính không quá 100m; mọi phòng trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát nạn...
Đề án sẽ được triển khai thí điểm hướng dẫn tại 3 khu vực có đông nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ trước khi áp dụng toàn thành phố. Từ cơ sở này, UBND TP sẽ ban hành quyết định quy định về diện tích tối thiểu và an toàn phòng cháy chữa cháy cho nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng mong muốn có sự thay đổi về quy định và cho phép các doanh nghiệp được tham gia thực hiện các dự án khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13967:2024 yêu cầu về PCCC nhà ở riêng lẻ
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13967:2024 nhà ở riêng lẻ yêu cầu chung về thiết kế do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu kỹ thuật chung về thiết kế nhà ở riêng lẻ khi xây dựng mới. Khi cải tạo, tùy thuộc vào quy mô và tính chất cải tạo có thể tham khảo áp dụng tiêu chuẩn này.
Nhà ở riêng lẻ phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các giải pháp kiến trúc, kỹ thuật bảo đảm mỹ quan, tuân thủ thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được duyệt hoặc quy chuẩn địa phương về quy hoạch, kiến trúc (nếu có). Trường hợp nhà ở riêng lẻ có kết hợp các mục đích sử dụng khác cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan các mục đích sử dụng đó và cần được thiết kế phù hợp với các tiêu chuẩn hoặc các tài liệu kỹ thuật được lựa chọn áp dụng. Không xây dựng nhà ở riêng lẻ trên các vùng có nguy cơ sạt lở, trượt đất, vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn trong quá trình thi công xây dựng, sử dụng và an toàn cho công trình lân cận.
Khi xem xét các yêu cầu về an toàn cháy có liên quan đến hành lang bên mặt tiếp xúc với không gian bên ngoài cần bảo đảm điều kiện thông gió sau: Khi hành lang bên được ngăn cách với các gian phòng liền kề bằng các bộ phận ngăn cháy phù hợp với quy định thì tổng diện tích các lỗ mở (hoặc cửa sổ có thể mở được bằng thủ công) trên mặt tiếp xúc với không gian bên ngoài không nên nhỏ hơn 15 % diện tích sàn của hành lang bên; Khi hành lang bên không được ngăn cách với các gian phòng liền kề bằng các bộ phận ngăn cháy thì tổng diện tích các lỗ mở (hoặc cửa sổ có thể mở được bằng thủ công) trên mặt tiếp xúc với không gian bên ngoài không nên nhỏ hơn 25 % diện tích sàn của hành lang bên.
Để đạt được mục đích an toàn cháy cho nhà, tùy theo quy mô và mục đích sử dụng, cần áp dụng các yêu cầu cụ thể hoặc áp dụng các yêu cầu phù hợp với tài liệu chuẩn được lựa chọn áp dụng hoặc áp dụng các giải pháp thay thế khác đáp ứng được các mục đích an toàn cháy.
Việc ngăn chặn cháy lan sang nhà liền kề (hoặc ngược lại) cần được thực hiện theo một trong hai yêu cầu cơ bản sau: Bố trí khoảng cách phòng cháy chống cháy tính từ mặt ngoài của tường hoặc kết cấu bao che (làm bằng các vật liệu không cháy như tường xây, tường bê tông, kim loại, kính, đất và tương tự, không phụ thuộc vào chiều dày) hoặc từ các đồ vật làm bằng vật liệu cháy được (trường hợp không có tường hoặc kết cấu bao che) đến đường ranh giới của thửa đất lớn hơn 1,5 m (tính từ một điểm bất kỳ trên tường); Sử dụng các kết cấu bao che có cấu tạo theo quy định tại tiêu chuẩn này.
Cần có giải pháp ngăn chặn, không để lan truyền lửa và các sản phẩm cháy giữa các khu vực khác nhau trong nhà. Khi bố trí lối ra khẩn cấp cần có thêm các phương tiện, thiết bị hỗ trợ thoát nạn để từ đó thoát xuống dưới và di chuyển ra xa nhà. Việc lắp đặt, sử dụng phương tiện hỗ trợ thoát nạn cần thực hiện theo quy trình và hướng dẫn của nhà sản xuất.
An Dương(T/h)