Dính loạt vi phạm về môi trường, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam bị xử phạt

author 14:10 20/07/2021

(VietQ.vn) - Theo Sở Công thương tỉnh Hải Dương, trong quá trình hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam đã mắc rất nhiều sai phạm buộc phải xử lý.

Theo thông tin từ báo Hải Dương, trong tháng 6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) và UBND huyện Cẩm Giàng kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam và chỉ ra nhiều vi phạm tại doanh nghiệp này.

Theo Sở Công thương, trong quá trình hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam chưa tuân thủ đúng một số quy định của Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vi phạm về việc phân loại hóa chất; xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; huấn luyện an toàn hóa chất. Công ty đã phân loại các loại hóa chất đang sử dụng nhưng không theo hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.

Việc phân loại không đúng quy định của Chính phủ, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam chỉ xây dựng biện pháp phòng ngừa sự cố đối với 13 trong tổng số 26 loại hóa chất nguy hiểm đơn vị đang sử dụng; 13 loại hóa chất khác công ty chưa kê khai trong biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất.

Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam bị xử phạt hơn 300 triệu đồng do có nhiều sai phạm trong sản xuất

Trong các năm 2019 và 2020, công ty đã diễn tập ứng phó với tình huống sự cố rò rỉ hóa chất nhưng không có nội dung diễn tập ứng phó đối với tình huống sự cố hóa chất xảy ra trong công đoạn tẩy phá mạ. Nội dung đào tạo, huấn luyện an toàn hóa chất cho công nhân chưa tuân thủ theo quy định và thực tế hoạt động hóa chất tại công ty.

Bên cạnh vi phạm về lĩnh vực hóa chất, doanh nghiệp này còn vi phạm việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, Sở TNMT đã chỉ ra Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo báo cáo ĐTM được phê duyệt, công đoạn mạ niken của công ty được thực hiện bằng phương pháp mạ điện nhưng thực tế doanh nghiệp này thực hiện bằng phương pháp mạ hóa học. Công ty không báo cáo cơ quan chức năng về nội dung thay đổi này và cũng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc chấp thuận.

Hoạt động phá lớp mạ trên các sản phẩm lỗi không có trong nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt, chưa được cấp có thẩm quyền xác nhận hoặc cho phép thực hiện. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự cố hóa học làm phát sinh khói vàng vào ngày 27/5 vừa qua. Ngoài ra, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam còn chưa bố trí đủ diện tích đất trồng cây xanh tối thiểu theo quy định; báo cáo không đúng thực tế về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại...

Sau sự cố xảy ra tại Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam vào cuối tháng 5, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) đã yêu cầu Sở TNMT tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra, xác minh làm rõ mức độ sai phạm của doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và việc quản lý, sử dụng hóa chất, việc phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong hoạt động sản xuất của công ty này.

Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2007. Sự cố hóa chất xảy ra vào cuối tháng 5 tại công ty này không phải lần đầu. Trước đó, tháng 6/2019, doanh nghiệp cũng để xảy ra sự cố phá lớp mạ trên các sản phẩm lỗi. UBND tỉnh đã yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động phá mạ; rà soát lại toàn bộ quy trình; lập phương án cụ thể phòng ngừa, ứng phó với các tình huống sự cố tương tự hoặc sự cố khác có thể xảy ra.

Tháng 7/2019, Chánh Thanh tra Sở TNMT đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp 85 triệu đồng. Cũng trong năm 2019, Sở Công thương đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam 25 triệu đồng; yêu cầu công ty đánh giá, bổ sung tình huống sự cố trong quá trình tẩy phá mạ vào biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất. Dù vậy, đến ngày 27/5/2021, doanh nghiệp vẫn để xảy ra sự cố về hóa chất. Điều này cho thấy đơn vị đã không chấp hành đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam khi làm việc với cơ quan chức năng, hoạt động phá mạ đã được doanh nghiệp đưa vào ngay khi bắt đầu sản xuất. Năm 2018, do lượng sản phẩm lỗi nhiều nên công ty lắp đặt thêm bể phá mạ thể tích khoảng 1,5 m3 tại vị trí ngoài nhà xưởng 1 cạnh dây chuyền mạ. Năm 2019, sau khi xảy ra sự cố, doanh nghiệp đã dừng hoạt động phá mạ tại bể phá mạ này theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đến tháng 5/2021, công ty tiếp tục sử dụng lại bể phá mạ và đã xảy ra sự cố trên.

Cảnh báo người dân không nên tự ý mua máy thở, bình oxy điều trị Covid-19(VietQ.vn) - Gần đây, nhiều người đã tìm mua các thiết bị máy thở, thiết bị tạo oxy để điều trị Covid-19 tại nhà. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Bộ Y tế việc làm này không cần thiết còn gây gây ra cháy nổ.

Trước những sai phạm trên, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam đã bị UBND tỉnh Hải Dương phạt 344 triệu đồng vì nhiều vi phạm về môi trường.

Theo đó, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam bị xử phạt 70 triệu đồng vì thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; phạt 100 triệu đồng vì báo cáo không đúng thực tế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại năm 2019, 2020; phạt 120 triệu đồng vì bố trí không bảo đảm trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; phạt 15 triệu đồng do không tổ chức hoặc không cử người tham gia các khóa huấn luyện an toàn hóa chất định kỳ thuộc trường hợp dưới 10 người.

Ngoài ra, công ty cũng bị phạt 4 triệu đồng vì không lưu giữ đầy đủ hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất; phạt 12 triệu đồng vì huấn luyện các nội dung về an toàn hóa chất không đúng quy định với từng nhóm đối tượng; phạt 8 triệu đồng vì không sử dụng hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất; phạt 15 triệu đồng vì tồn trữ các loại hóa chất nguy hiểm là nguyên liệu, hóa chất trung gian và hóa chất thành phẩm chưa kê khai hoặc lưu trữ với khối lượng tồn trữ lớn hơn khối lượng đã kê khai trong biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được ban hành.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam tháo dỡ ngay hệ thống tẩy, phá mạ lắp đặt ngoài nhà xưởng số 1. Đây là hệ thống không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty TNHH Fuji Seiko đã được phê duyệt. UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu Công ty TNHH Fuji Seiko tạm thời dừng hoạt động phá mạ chưa được mô tả, đánh giá trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và chỉ được hoạt động trở lại khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Công ty TNHH Fuji Seiko phải rà soát các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường đã được phê duyệt chưa đúng với thực tế hoạt động, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường theo quy định.

Công ty TNHH Fuji Seiko cũng phải thực hiện nghiêm việc quản lý chất thải phát sinh, bảo đảm đúng quy định; phân định, phân loại đúng số lượng, chủng loại, mã chất thải nguy hại phát sinh để quản lý, chuyển giao xử lý và báo cáo đúng tình hình phát sinh với cơ quan có thẩm quyền; rà soát toàn bộ quy trình, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bố trí đầy đủ trang thiết bị đảm bảo đủ khả năng để ứng phó khi có sự cố xảy ra.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang