Nhìn lại một năm thực thi Hiệp định EVFTA

author 06:41 31/07/2021

(VietQ.vn) - Ngày mai (1/8/2021) là tròn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Xuất nhập 2 chiều đều tăng

Tính đến ngày 1/8/2021 là tròn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), theo đó thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi Hiệp định chưa có hiệu lực.

Dệt may có thể là minh chứng tốt cho tác động tích cực của EVFTA khi trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, về xuất khẩu, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn tăng 18,6 % trong 6 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam xuất siêu sang EU trong giai đoạn này trên 11 tỷ USD là mức tương đối khá so với các thị trường khác. Hiệp định mới đưa vào thực thi được 1 năm nhưng có thể nói các doanh nghiệp của Việt Nam đã bước đầu có thể tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng tăng ở mức tương ứng. Tất nhiên EU xuất khẩu sang Việt Nam ở mức thấp hơn nhiều so với xuất khẩu Việt Nam, nhưng điều chúng ta trông đợi từ Hiệp định này là chúng ta có khả năng tiếp cận được những mặt hàng có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao hơn để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người Việt Nam. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam trong giai đoạn này cũng tăng ở mức khoảng 18%, trong đó có những mặt hàng như hóa chất, dược phẩm, ô tô và phụ tùng ô tô... là những mặt hàng có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Hiện diện nhiều thách thức lớn

Cùng với đó, ông Lương Hoàng Thái cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn từ quá trình triển khai Hiệp định EVFTA. Chúng ta vẫn biết EVFTA là một trong những hiệp định tiêu chuẩn cao nhất không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả các nước trong khu vực, đặc biệt Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ phát triển chưa cao. Chúng ta cũng không có nhiều tấm gương để có thể học hỏi. Bởi trong khu vực chỉ có các nước có trình độ rất cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì mới có Hiệp định thương mại tự do với EU.

Trong khi đó, Việt Nam lại có bối cảnh hoàn toàn khác, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 tác động đến quan hệ thương mại song phương nên quá trình thực hiện Hiệp định này cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, để thúc đẩy thương mại về hàng nông sản, nhiều giấy tờ hai bên phải chuẩn bị để đáp ứng quy định. Ví dụ như giấy kiểm định động thực vật rất khó đáp ứng trong bối cảnh mới, đây là vấn đề mà Cao ủy thương mại EU và Bộ trưởng Bộ Công thương đã bàn rất kỹ và giao cho nhóm kỹ thuật để thảo luận cụ thể và hai bên cũng đã chấp nhận cho nhau một số nguyên tắc để tạo thuận lợi cho thương mại trong thời gian tới. Đó là thay vì giấy phép về kiểm định chất lượng hàng hóa đáp ứng những quy định về kiểm dịch động thực vật hai bên áp dụng cho nhau một số chứng từ, giấy phép bằng hình thức điện tử.

“Đây là cách tháo gỡ một số khó khăn. Tất nhiên đây là những vấn đề mới triển khai ngay trong năm đầu tiên và chúng ta cũng mới xử lý được một số vấn đề, còn nhiều vấn đề khác liên quan đến thực thi mà hai bên đã nêu ra và cần phải xử lý trong thời gian tới”, ông Thái cho biết.

Ngoài ra, để có cơ sở phân tích các vấn đề tồn tại, khó khăn, đánh giá hiệu quả tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và EVFTA nói riêng, từ đó xây dựng giải pháp tháo gỡ một cách thực chất, khoa học, hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số đánh giá tình hình thực thi các FTA nói chung và EVFTA nói riêng ở các cấp (FTA Index). Dự kiến khi đưa vào vận hành, FTA Index sẽ là công cụ hiệu quả để đẩy mạnh việc thực thi và tận dụng các FTA nói chung, EVFTA nói riêng.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang