Những nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc

author 16:30 14/12/2021

(VietQ.vn) - Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức diễn ra vào sáng nay (14/12).

Tại Hội nghị, đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết trong 5-10 năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, với nhiều biến động to lớn, khó dự báo, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Các thách thức có thể gay gắt hơn, song Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội mới. Trong hoàn cảnh đó, sự lãnh đạo của Đảng cùng với thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới là nhân tố quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu đối ngoại.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII đã đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh đối ngoại cần tiếp tục đổi mới tư duy và phương thức tổ chức hoạt động, tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện và thống nhất của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với đối ngoại và hội nhập quốc tế. Quán triệt sâu sắc, toàn diện, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng bằng các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Hai là, củng cố tin cậy chính trị, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống, trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Những nhiệm vụ trọng tâm được nêu ra tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc

 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP.

Ba là, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế; đặc biệt là ASEAN, Liên Hợp Quốc, các cơ chế hợp tác liên nghị viện quốc tế và khu vực (như AIPA, IPU), APEC, hợp tác Tiểu vùng Me Kong, cũng như trong các vấn đề quốc tế có tầm quan trọng chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện của Việt Nam.

Bốn là, tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh để tạo thế chân kiềng vững chắc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước.

Năm là, giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hoá truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khoa học, lý luận ngoại giao Việt Nam.

Sáu là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Triển khai đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, kết hợp hiệu quả nguồn lực bên ngoài với các nguồn lực trong nước, góp phầnthực hiện thắng lợi các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bảy là, nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức của công tác ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân, triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác công tác người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự gắn kết chặt chẽ, phát huy được tối đa các nguồn lực, sức mạnh tổng hợp cho phát triển đất nước.

Tám là, mở rộng, nâng cao hiệu quả và đưa các mối quan hệ đối ngoại Đảng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng chính trị cho quan hệ giữa nước ta với các nước; tạo lập sự đồng thuận và hậu thuẫn chính trị của các chính đảng và các lực lượng chính trị đối với sự nghiệp đổi mới.

Củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước. Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội khác trong hoạt động đối ngoại.

Chín là, kiện toàn và nâng cao hiệu quả của các cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực đối ngoại. Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Với thế và lực của đất nước không ngừng được củng cố qua 35 năm đổi mới, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn trong thời gian tới công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của chúng ta sẽ đạt những thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần đưa đất nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu.

Cũng tại Hội nghị diễn ra sáng nay, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tập trung vào giai đoạn 5 năm vừa qua (2016 - 2021).

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang