Ninh Bình tịch thu lô đồ chơi và thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

author 17:09 25/02/2025

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình vừa tiến hành tịch thu nhiều sản phẩm đồ chơi nhập lậu và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình kiểm tra, xử phạt hộ kinh doanh A.T.L tại địa chỉ tại đường Xuân Thành, phố Tân Thịnh, phường Tân Thành, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh A.T.L đang kinh doanh hàng hóa là đồ chơi trẻ em nhập lậu, trị giá hàng vi phạm là 26.700.000 đồng; kinh doanh hàng hoá là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng vi phạm là 21.520.000 đồng. Hàng hoá vi phạm bao gồm đồ chơi trẻ em, chân gà ăn liền, hạt ngũ cốc các loại,… Ngoài ra qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện hộ kinh doanh A.T.L đã có hành vi vi phạm hành chính thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính.

Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh A.T.L do đã có các hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hoá nhập lậu; Kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính với tổng số tiền phạt hành chính là 32.500.000 đồng, trị giá hàng hoá tịch thu là 48.220.000 đồng.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Ninh Bình

Liên quan tới thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có rất nhiều tác hại mà người dùng không thể biết như về chất lượng, hạn sử dụng, vì trên nhãn hàng hóa không thể hiện được nội dung. Vì vậy, không thể xác định ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng khi hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng, và cũng không thể xác định người chịu trách nhiệm cuối cùng.

Để tránh các mối nguy từ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin về sản phẩm trên nhãn hàng hóa, như thông tin về nhà sản xuất, thành phần trong sản phẩm, ngày sản xuất, ngày hết hạn… Người tiêu dùng nên mua thực phẩm từ các điểm bán hàng uy tín, không nên mua thực phẩm từ các nguồn trôi nổi, không đáng tin cậy. Đặc biệt, phải hết sức cảnh giác trước các sản phẩm giá quá rẻ so với nhiều sản phẩm cùng loại, vì thường những loại này không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hoặc có thể là hàng giả, hàng kém chất lượng”-ông Hà khuyến cáo.

Căn cứ tại Tiêu chuẩn TCVN 5603:2023 thay thế TCVN 5603:2008 do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, nguyên tắc chung để sản xuất thực phẩm an toàn và phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng dựa trên các biện pháp kiểm soát vệ sinh và an toàn thực phẩm cần thiết được thực hiện trong sản xuất (bao gồm cả sản xuất ban đầu), chế biến, chuẩn bị, bao gói, bảo quản, phân phối, bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vận chuyển thực phẩm cũng như các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm cụ thể sẽ được áp dụng ở các bước nhất định trong toàn bộ chuỗi thực phẩm, khi thích hợp.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang