Quảng Ninh bắt 2 tàu vỏ thép vận chuyển 60 tấn than không rõ nguồn gốc

author 13:40 29/11/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện và thu giữ 2 vỏ tàu thép vận chuyển 60 tấn than không rõ nguồn gốc.

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, Phòng Cảnh sát đường thủy vừa chủ trì, phối hợp với Công an TP Cẩm Phả, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cẩm Phả phát hiện, bắt giữ một phương tiện chở 60 tấn than không rõ nguồn gốc.

Theo đó, tại khu vực vùng biển Cống Đông, thuộc xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện tàu vỏ thép không có biển kiểm soát, trọng tải 150 tấn, công suất máy 70CV do Vũ Đức Lục, SN 1983, HKTT: phường Quán Trữ, Quận Kiến An, TP. Hải Phòng là thuyền trưởng vận chuyển khoảng 60 tấn than không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Quảng Ninh phát hiện lượng lớn than không rõ nguồn gốc. Ảnh: M. Hùng 

Tại thời điểm kiểm tra, Vũ Đức Lục không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa trên tàu và giấy tờ liên quan đến phương tiện. Người này cho biết, số than trên được quét vét trên các phương tiện tàu vận tải tại khu vực Cửa Ông, Hòn Nét – TP Cẩm Phả để bán kiếm lời. Phòng Cảnh sát đường thủy đã lập hồ sơ ban đầu, tạm giữ phương tiện và toàn bộ số than chở trên tàu để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh nên nhu cầu tiêu thụ than tăng cao.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình an ninh chính trị trên thế giới và việc điều chỉnh chính sách của một số quốc gia sản xuất, xuất nhập khẩu than nên nguồn cung đối với mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Hoạt động khai thác, tập kết, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép, nhất là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép than qua biên giới sẽ diễn biến phức tạp.

Do đó trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, chỉ đạo của trung ương, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan thẩm quyền trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động buôn lậu, vận chuyển than trái phép qua biên giới.

Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của lãnh đạo các cấp để nắm chắc tình hình hoạt động xuất nhập khẩu than theo lĩnh vực quản lý, địa bàn phụ trách.

Xây dựng các kế hoạch chuyên đề, chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, vận chuyển than trái phép qua biên giới; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn.

Hành vi vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc bị xử lý thế nào?

Căn cứ theo quy định tại điều 4 nghị định 36/2020/NĐ-CP: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và là 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng.

Hình thức xử phạt bổ sung

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:

Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng;

Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng; Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo điều 227 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, tại Điều 227: Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản như sau:

Khung 1

1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung 2

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

Có tổ chức;
Gây sự cố môi trường;
Làm chết người;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Khung 3

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang