Rủi ro từ tiêm mesotherapy trẻ hoá da cấp tốc

author 12:22 03/08/2024

(VietQ.vn) - Nghe bạn giới thiệu tiêm mesotherapy (tiêm meso vi điểm) giúp làm căng da nhanh chóng, chị Trần Thanh Huyền đã quyết định đến một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội để tiêm. Sau khi tiêm 2 ngày, chị bắt đầu thấy vùng tiêm bị sưng tấy, lấm tấm nổi lên một số u hạt.

Mới đây, chị Huyền (43 tuổi, ở thành phố Hải Phòng) sau khi thực hiện xâm lấn tiêm meso tại cơ sở thẩm mỹ, chị thấy vùng mặt có hiện tượng bị sưng tấy, mẩn đỏ, lấm tấm nổi lên một số u hạt, vội quay trở lại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trên để hỏi thì nhân viên tư vấn ở đây cho biết, hiện tượng này sẽ hết trong vài ngày. Chưa hết lo lắng với lời giải thích này, chị Huyền liền đến bệnh viện để khám.

Tại đây, bác sĩ cho biết do người thực hiện tiêm meso cho chị Huyền làm không đúng kỹ thuật nên dưỡng chất phân bổ không đều. Nếu để lâu ngày, da có thể bị kích ứng sưng bầm, nặng hơn có thể bị nhiễm trùng và hoại tử da.

Tương tự, với mong muốn có làn da trắng sáng, căng bóng, chị Hà Thị Cúc (50 tuổi) đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ để thực hiện tiêm BAP 5 điểm. Thực hiện liệu trình đến lần tiêm thứ 2, chị thấy khuôn mặt của mình có vẻ như bị lệch.

Khi chị quay lại cơ sở thẩm mỹ để điều chỉnh thì kết quả vẫn không được như ý. Nhân viên tại cơ sở phẫu thuật này cho biết, mặt chị không cân là do… cơ địa. Ngậm đắng nuốt cay, chị Cúc tìm đến một bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để cải thiện tình trạng khuôn mặt.

Một trường hợp khác, nam thanh niên 25 tuổi (Hà Nội) tìm đến spa tiêm mesotherapy (tiêm meso vi điểm) hai má với lời tin sau tiêm các nốt sần sẽ tan dần vào da, anh sẽ có gương mặt căng bóng, da sáng. Tuy nhiên, một tuần sau, hai bên má của anh vẫn nguyên nốt sẩn đỏ, vón thành những cục cứng trên da.

Khi quay lại spa, nam thanh niên được nhân viên cơ sở này chích, nặn, tiêm thuốc giải filler mong nốt sần tan nhanh nhưng không đỡ. Sau 1 tháng, anh đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám với gương mặt chi chít nốt sần, tấy đỏ, cảm giác bứt rứt, khó chịu.

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng lựa chọn làm đẹp như thế nào và ở đâu là vấn đề "đau đầu" của nhiều người khi các trung tâm thẩm mỹ, spa nhan nhản mà chất lượng thì chỉ có người dấn thân rồi mới có thể kiểm chứng.

Chính vì vậy, không ít người đã gặp sự cố khi quyết định "làm mới" gương mặt mình. Đơn cử, dùng corticoid kéo dài dẫn đến teo da hay với những can thiệp như tiêm filler (chất làm đầy) không đúng cách có thể dẫn đến lệch các vị trí trong khuôn mặt, nghiêm trọng hơn có thể gây mù do filler gây tắc mạch máu...

Bên cạnh đó, tai biến do nhân viên thực hiện can thiệp không phải bác sĩ, cơ sở không được cấp phép. Còn nhiều biến chứng khác do lạm dụng thẩm mỹ nhưng vẫn chưa cảnh tỉnh được nhiều người.

Theo Thạc sỹ - bác sĩ Chuyên khoa 2 Cao Ngọc Duy, Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), nhiều chị em chỉ cần nghe quảng cáo, nghe qua bạn bè mà không nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra vì không phải mọi phương pháp đều phù hợp với bản thân.

Chỉ bác sĩ được cấp giấy phép hành nghề từ Bộ Y tế, Sở Y tế mới được thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ.

Đôi khi họ bị rơi vào "ma trận" dẫn đến lạm dụng thẩm mỹ và phải gánh những hậu quả khó lường. Bác sĩ Cao Ngọc Duy lưu ý rằng, một trong những nguyên nhân gây biến chứng là sự hạn chế về kỹ thuật tiêm.

Khi kỹ thuật viên tiêm không đúng cách, tiêm nhanh với áp lực tiêm mạnh vào nhánh của động mạch, hoặc tiêm nhầm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch, từ đó dẫn đến hoại tử vùng mô mà mạch máu bị tắc nuôi dưỡng…

Bác sĩ Cao Ngọc Duy cũng lưu ý, chị em cần nhận thức rõ về các rủi ro và tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng một thủ thuật, thông báo với bác sĩ về các bệnh lý hoặc tiền sử bệnh lý mà bản thân mắc phải, cũng như các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang sử dụng. Một số thành phần trong các loại thuốc đó có thể ảnh hưởng lên tính chất cũng như tác dụng của filler.

Biến chứng khi tiêm xâm lân meso

Biến chứng sớm:

Xuất huyết: tình trạng chảy máu tại các vết tiêm sẽ gây bầm tím, ngay sau tiêm 1-3 ngày sẽ có hiện tượng tím nhẹ vài nốt tiêm, nhưng nếu hiện tượng này nhiều và kéo dài hơn hoặc nổi thêm cái nốt đỏ mới thì có thể đó là biến chứng xuất huyết sau tiêm.

Phù nề: các nốt sần thông thường sẽ lặn ngay sau tiêm hoặc một vài ngày tuỳ thuộc vào từng hoạt chất. Tuy nhiên khi các nốt này có biểu hiện sưng phù, đỏ nề nhiều và kéo dài thì lại khác.

Kích ứng: là tình trạng phản ứng của da với các chất không phù hợp tiêm vào. Thường ngứa, đỏ, có thể sưng, loét... nếu nặng có thể ảnh hưởng toàn thân.

Nhiễm trùng: một trong những biến chứng phổ biến nhất là viêm, đau và sưng tại điểm tiêm phản ứng viêm. Quá trình tiêm không đảm bảo vô khuẩn hoặc sử dụng các sản phẩm kém chất lượng có thể dẫn đến nhiễm trùng da và mô dưới da, gây đau và sưng nề.

Biến chứng muộn:

U hạt: đây là biến chứng gây ra bởi kỹ thuật tiêm không đúng, hình thành các u sần, nổi cục trên bề mặt da, cứng chắc. Những hoạt chất đã được báo cáo có thể gây u hạt gồm: phosphatidylcholine, deoxycholate, buflomedil, silica hoặc carnitine. Đã có nhiều ca ở Việt Nam được báo cáo xuất hiện u hạt sau khi sử dụng PRDN (DNA cá hồi), nhau thai cừu (placenta) và thậm chí cả Acid Hyaluronic. U hạt sau khi tiêm mesotherapy thường do hoạt chất tiêm bị tích tụ ở một vị trí cụ thể dưới da thay vì được phân tán đều. Mặc dù u hạt thường không gây nguy hiểm toàn thân và có thể giảm đi theo thời gian nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ.

Sẹo lồi, sẹo phì đại, sẹo lõm: nếu kỹ thuật tiêm Meso không đảm bảo có thể gây ra nhiễm trùng, nguy cơ hình thành các vết sẹo.

Tăng sắc tố sau viêm: sau khi tiêm Meso da không những không cải thiện mà xuất hiện thâm sạm da tại các nốt tiêm, chủ yếu biến chứng này là hậu quả sau khi nhiễm trùng và viêm da.

Quá mẫn toàn thân: một số người có thể phản ứng dị ứng với các thành phần trong các dung dịch Meso, gây ra các triệu chứng như phát ban, ngứa, hoặc nặng hơn như khó thở, đau bụng.

Hoại tử da: Đây được coi là biến chứng nghiêm trọng nhất sau tiêm Meso. Thường xuất phát từ việc đưa chất lỏng được tiêm vào da không đúng cách hoặc do tắc nghẽn của mạch máu cung cấp cho vùng da. Nguyên nhân có thể do hoạt chất được tiêm trực tiếp vào mạch máu gây tắc mạch, áp lực chất lỏng tiêm vào quá lớn gây chèn ép hoặc là hậu quả của phản ứng dị ứng, nhiễm trùng nặng.

 Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang