Sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai công dụng trên mạng xã hội?
Quy định về trách nhiệm của người sử dụng khi tham gia mạng xã hội
Thanh, kiểm tra sản phẩm hàng hóa góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
Những năm gần đây, thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) có bước phát triển vượt bậc, thế nhưng, đánh vào thị hiếu khách hàng, nhiều sản phẩm TPBVSK, thực phẩm bổ sung bất chấp quy định pháp luật quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhằm mục đích vụ lợi, khiến khách hàng như rơi vào ma trận, không biết thật giả. Thậm chí, nhiều người hiểu lầm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh.
Để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật về công dụng, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý nhiều đơn vị, buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm. Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo và thông tin tới dư luận, tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày một tinh vi hơn.
Điển hình, một số tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, lừa dối người tiêu dùng về công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe... Cụ thể, trên mạng xã hội, một số sản phẩm được giới thiệu ứng dụng những tinh hoa của y học dân tộc kết hợp khoa học hiện đại, được nghiên cứu tâm huyết bởi đội ngũ hội đồng khoa học là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành cùng với sự giám sát chặt chẽ của Bộ Y tế kiểm định chất lượng...
Tham chiếu Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định: "Nội dung quảng cáo phải phù hợp công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".
Ảnh minh họa.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;
Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.
Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.
An Nguyên