Sang chiết gas trái phép gây hậu quả nghiêm trọng

authorVân Thảo 20:32 08/08/2024

(VietQ.vn) - Theo lực lượng chức năng, tình trạng sang chiết gas trái phép thời gian gần đây đang ở mức báo động, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về tính mạng người sử dụng.

Liên tiếp phát hiện cơ sở sang chiết gas trái phép

Ước tính mức tiêu thụ khí gas ở Việt Nam vào khoảng 2 triệu tấn/năm. Khí gas ở Việt Nam được sử dụng trong dân dụng, thương mại và các ứng dụng công nghiệp. Với đa số người dân, gas được sử dụng hàng ngày nên an toàn chính là vấn đề đáng quan tâm nhất. Tuy nhiên có một thực tế nổi cộm suốt thời gian qua là tình trạng thu gom, chiếm dụng bình gas, sang chiết gas trái phép. Nhiều đối tượng thu gom tiến hành mài nhãn hiệu trên vỏ của chủ sở hữu, thay đổi kết cấu, logo, biến thành bình gas của mình rồi tung ra thị trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy hiểm về tính mạng người sử dụng.

Điển hình, vào ngày 05/6/2024, Đội Quả lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Long An phối hợp với Công an xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm chiết nạp gas (LPG) vào bình, tại địa chỉ số 187 - 188 quốc lộ N2, ấp 1B, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nghi ngờ cơ sở này đang thực hiện hoạt động sang chiết nạp gas trái phép vào chai (loại 12 kg/chai và loại 45kg/chai) với đầy đủ các phương tiện và dụng cụ. Số lượng bình gas tại địa điểm kiểm tra có 277 bình bao gồm cả bình có ruột và không có ruột. Các bình gas này có dấu hiệu giả mạo nhiều thương hiệu khác nhau.

Nạn sang chiết gas giả ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Tại thời điểm kiểm tra, địa điểm này có 5 nhân viên trực tiếp tham gia việc nạp gas vào chai. Bên trong xưởng nhà tôn có 1 sơ mi rơ mooc; 1 bồn chứa LPG; 10 cân điện tử (model DGT); 10 súng bơm; 2 máy bơm hơi (không nhãn hiệu); 1 máy bơm kết nối với ống dẫn LPG; 1 ống dẫn khí; 1 máy khò nhiệt; tem chống hàng giả và màng co nhãn hiệu khác nhau cùng phương tiện là 2 xe ô tô tải. Người đại diện theo pháp luật của địa điểm chiết nạp gas (LPG) không có mặt để làm việc với lực lượng chức năng tại thời điểm kiểm tra.

Tiếp đến ngày 28/6, Công an thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho biết đã phát hiện một cơ sở tại phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một do ông Nguyễn Bá Vinh (sinh năm 1988) làm chủ có hoạt động sang, chiết, nạp khí dầu mỏ hóa lỏng trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ông Nguyễn Bá Vinh đang thực hiện hành vi kết nối ống dẫn khí từ van bồn chứa trên xe ô tô tải biển kiểm soát 61E-017.75 vào van bồn chứa được ngụy trang bên ngoài bằng các tấm tôn trên một xe ô tô tải không biển số. Từ bồn chứa này, ông Vinh tiếp tục sử dụng 3 máy nén được giấu trong trong thùng container để nạp LPG vào các bình gas, loại 12kg/bình của nhiều nhãn hiệu khác nhau rồi bán ra thị trường.

Vụ việc mới đây nhất, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã phát hiện một điểm sang chiết gas trái phép số lượng lớn. Cụ thể, Đội QLTT số 7 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an huyện Thanh Trì) tiến hành khám khu vực nhà kho của bà T.T.V tại khu lò gạch Màn Di, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội có chứa tang vật là hàng hóa các loại bình gas và các phương tiện dùng để sang chiết khí gas.

Kết quả khám, Đội QLTT số 7 và cơ quan phối hợp đã tạm giữ 2 chiếc xe tải trên xe có chứa đựng gas và phương tiện dùng để sang chiết gas, bao gồm: Xe ô tô tải màu trắng mang biển kiểm soát 22C-026xx có chứa bồn kim loại, trong bồn có chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chưa rõ dung tích bình). Bồn này được nối trực tiếp với 3 máy sang chiết khí LPG (cân chiết nạp gas) mỗi máy đang đấu nối trực tiếp với 1 bình LPG loại bình 12kg và đang trong quá trình thực hiện sang chiết nạp khí LPG vào bình. Tiếp đến trên thùng xe ô tô tải màu xanh mang biển kiểm soát 29H-065xx có chứa 65 bình LPG đã được nạp khí LPG, trên van các bình LPG trên không có màng co niêm phong.

Ngoài ra, còn có 553 vỏ bình LPG (mang các nhãn hiệu khác nhau) loại 12kg (dùng để chứa khí LPG và 12kg màng co bằng nilon (còn mới, chưa qua sử dụng) mang các nhãn hiệu VẠN LỘC GAS VÀ VENUS PETROL GAS đang được để trong khu vực nhà kho; 03 thẻ nhớ gắn trong 3 camera. Tại thời điểm khám, bà V chưa xuất trình bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng từ gì liên quan đến hoạt động sang chiết gas.

Sớm ban hành nghị định mới để quản lý, kiểm soát chặt tình trạng sang chiết gas trái phép

Theo thống kê của Chi hội gas miền nam (thuộc Hiệp hội Gas Việt Nam), cả nước hiện có hơn 30% lượng bình gas bị chiếm dụng và làm giả nhãn hiệu. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng sang chiết lậu gas trên thị trường với những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Hàng triệu vỏ bình gas không thể quay về doanh nghiệp sở hữu để tiến hành kiểm định khiến nguy cơ cháy, nổ càng lớn.

Thị trường gas được điều chỉnh bởi các hành lang pháp lý như: Luật Dầu khí, Luật Thương mại, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Xây dựng,... cùng 11 nghị định, 14 thông tư hướng dẫn. Các quy định về việc quản lý thị trường gas đã hết sức chặt chẽ, đủ sức ngăn chặn gas lậu, gas giả lưu thông, tuy nhiên, việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa nghiêm, chưa hết trách nhiệm đã khiến cho các đối tượng vi phạm lộng hành, thị trường gas tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất ổn, đe dọa sự an toàn của người dân.

Trước thực trạng nêu trên, ngành gas mong muốn Bộ Công Thương sớm ban hành nghị định mới, thay thế Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh gas theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và dịch vụ kinh doanh gas, nhằm hạn chế việc chiếm dụng vỏ bình, chiết nạp gas lậu và cung cấp gas giả. Để bảo đảm yêu cầu quản lý, cần quy định rõ, ràng buộc các công ty đầu mối phải cập nhật và đăng ký khách hàng để quản lý chất lượng sản phẩm gas cung ứng cho thị trường, góp phần cùng cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn cháy, nổ; qua đó, có thể quy được trách nhiệm những doanh nghiệp nếu xảy ra sự cố.

Theo quy định, bình gas của các doanh nghiệp sẽ được các cơ quan kiểm định định kỳ 5 năm/1 lần, có số seri để theo dõi tình trạng an toàn qua thời gian sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng các trạm sang chiết trái phép thu mua, chiếm dụng vỏ bình bỏ qua quy trình về kiểm định diễn ra rất phổ biến. Các quy định hiện hành cho phép thương nhân kinh doanh được phép thuê vỏ bình gas mà không phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Theo các doanh nghiệp điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi xảy ra cháy nổ sẽ không thể gắn hay quy trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị.

Do đó, riêng doanh nghiệp bán trực tiếp cho người tiêu dùng, cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi đưa ra khỏi kho hàng, chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố đối với người tiêu dùng; bán hàng với khách hàng phải có hợp đồng; có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ an toàn cháy nổ cho người tiêu dùng,…

Ngoài ra do gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, từ doanh nghiệp đầu mối đến hệ thống phân phối phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn cháy nổ. Tuy nhiên những bất cập về việc không quản lý được vỏ bình gas, không xác định rõ trách nhiệm của từng khâu trong từng bộ phận đã khiến cho tình trạng mua bán vỏ bình ngày càng phức tạp, theo đó nạn sang chiết gas trái phép cũng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi gây ra không ít hệ lụy.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 16:2022/BCT về an toàn chai LPG

Quy chuẩn kỹ thuật này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Công Thương ban hành quy định các yêu cầu kỹ thuật an toàn trong thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, sửa chữa, kiểm định, thử nghiệm, tồn chứa, giao nhận, vận chuyển, lắp đặt và sử dụng chai LPG composite dung tích chứa từ 0,5 L đến 150 L, có mã HS 3923.30.20, 3923.30.90 hoặc 3923.90.90.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 16:2022/BCT áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thiết kế, chế tạo, nhập khẩu, sửa chữa, kiểm định, thử nghiệm, tồn chứa, giao nhận, vận chuyển, lắp đặt, sử dụng chai LPG.

 Vân Thảo (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang