Siêu thị bán đồ ăn vặt hàng Trung Quốc không có nhãn phụ tiếng Việt
Ninh Bình: ‘Công dân số’ là trọng tâm của chuyển đổi số
Việt Nam và NVIDIA hợp tác thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ AI
Tận dụng xu hướng thực phẩm xanh: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp
Tại một siêu thị mới mở (địa chỉ 50-54 phố Đội Cấn, TP.Hà Nội) không khó bắt gặp cảnh các em nhỏ xếp hàng dài thanh toán, trong giỏ hàng là các sản phẩm ăn vặt với bao bì chằng chịt chữ Trung Quốc. Các kệ hàng đầy ắp đồ ăn với hình dạng độc đáo, từ bánh quy, kẹo dẻo, đến nước uống, chân gà,... Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm này đều không có tem hay nhãn phụ tiếng Việt theo quy định của pháp luật.
Nhiều phụ huynh lo ngại khi không hiểu rõ thông tin trên bao bì sản phẩm này. Anh Hoàng Nam (40 tuổi, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Tôi không biết các sản phẩm tại siêu thị này có an toàn không vì trên bao bì không có tiếng Việt. Nếu có vấn đề gì xảy ra với sức khỏe của con sẽ rất khó truy cứu trách nhiệm”.
Chị Mai Hương (quận Hà Đông) cho biết: "Con tôi nhất quyết đòi đến siêu thị sau khi thấy bạn bè khoe mua bánh kẹo lạ mắt. Nhưng khi đến nơi, tôi không đồng ý cho con mua vì thấy sản phẩm chỉ có chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt. Không hiểu sao mọi người vẫn xếp hàng rất đông và thử các sản phẩm như vậy”.
Chị Lan Anh (32 tuổi, quận Cầu Giấy) cũng băn khoăn: "Con tôi rất thích đồ ăn ở đây vì nhìn bắt mắt nhưng không thể biết chúng có chứa chất bảo quản hay chất gây dị ứng nào không. Không có tem phụ bằng tiếng Việt, chúng tôi hoàn toàn không thể kiểm chứng chất lượng sản phẩm".
Siêu thị với đa dạng quầy hàng, bày bán các thức quà ăn vặt chằng chịt chữ tiếng Trung.
Không chỉ cơ sở trên, tại một siêu thị mini chuyên bán các sản phẩm sữa cho mẹ bầu và em bé trên đường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) dễ nhận thấy các mặt hàng đang được bày bán trên kệ không có tem, nhãn phụ thể hiện những nội dung cần thiết về sản phẩm. Đơn cử, một hộp sữa mang nhãn hiệu Meiji được nhân viên bán hàng giới thiệu sản xuất từ Nhật Bản nhưng quan sát trên vỏ hộp, người mua không thể tìm thấy bất cứ thông tin từ thành phần, công dụng, nguồn gốc xuất xứ,… vì tất cả đều được thể hiện bằng tiếng Nhật.
Về việc sản phẩm không có tem, nhãn phụ dán trên bao bì, nhân viên trấn an rằng các mặt hàng này được người quen mua và xách tay từ nước ngoài về nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo quan sát mỗi dòng sản phẩm đều có từ 5 - 10 hộp bày bán trên kệ thì không biết chủ cửa hàng có trung thực trong lời quảng cáo nguồn gốc là hàng hóa từ Nhật Bản đang tiêu thụ tại cửa hàng hay không?
Khoản 3, Điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: "Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc". Tiếp đó, khoản 1, Điều 10 Nghị định này quy định rõ: "Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa".
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần cảnh giác và ưu tiên chọn mua sản phẩm có thông tin rõ ràng, đầy đủ. Đồng thời, cần hướng dẫn trẻ em nhận thức về an toàn thực phẩm, tránh chạy theo trào lưu thiếu kiểm soát, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi chọn mua thực phẩm cho con em mình.
Theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
- Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
- Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam;
Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 theo mức phạt sau đây: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Thanh Hiền (t/h)