Sở Y tế Hà Nội công bố nguyên nhân khiến 72 học sinh trường Tiểu học Kim Giang bị ngộ độc

author 07:05 01/04/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã công bố nguyên nhân khiến 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) nhập viện vì ngộ độc là do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, liên quan đến sự cố an toàn thực phẩm tại trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) hiện đã tìm ra nguyên nhân ban đầu khiến hơn 70 học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.

Tụ cầu vàng là vi khuẩn hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động. Chúng phân bố rộng rãi trong tự nhiên, thường ký sinh trên da và niêm mạc. Thực phẩm giàu chất đạm, chất béo như: thịt gia súc, gia cầm, cá hoặc thực phẩm có hàm lượng nước cao, nhiều tinh bột và nhiệt độ bảo quản không đảm bảo thường dễ bị nhiễm tụ cầu vàng.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện tại 68/72 trẻ bị ngộ độc thực phẩm đã xuất viện. 4 trẻ còn lại, có 2 trẻ đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Xây dựng và 2 trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Hiện, sức khoẻ của các trẻ đã ổn định. Dự kiến, chiều nay, 4 bệnh nhi này sẽ được ra viện. Xác định nguyên nhân khiến học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà, cơ quan chuyên môn lưu ý, quận Thanh Xuân tiếp tục chỉ đạo điều tra tại bếp ăn trường Tiểu học Kim Giang.

Các cháu học sinh của trường Tiểu học Kim Giang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Trong đó, rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến. Từ đó, chấn chỉnh không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm như trên. Trước đó, qua điều tra ban đầu, Chi Cục ATVSTP Hà Nội ghi nhận tổng cộng 73 học sinh của trường Tiểu học Kim Giang nhập viện. Tuy nhiên, trên thực tế có 72 học sinh được đưa đến các bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai; Đa khoa Đống Đa; Xây Dựng; Nhi trung ương và Đa khoa Xanh Pôn.

Cũng theo báo cáo của Chi Cục ATVSTP Hà Nội, nhà trường ký hợp đồng với Công ty CP thực phẩm Ngôi Sao Xanh (ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội). Tổ điều tra đã lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn dã ngoại, mẫu thức ăn tại trường (cơm trắng, thịt xay sốt chua ngọt, đậu rán tẩm hành, bí xanh xào, canh chua nấu thịt, bánh quy) lưu tại trường, gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia. Ngoài ra, Chi Cục ATVSTP Hà Nội cũng đã cử 1 tổ phối hợp lấy mẫu cần thiết tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh. Đồng thời, đề nghị bếp ăn tập thể trường Tiểu học Kim Giang tạm dừng hoạt động để điều tra rõ nguyên nhân. 

Đề cập đến vấn đề vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm ra sao, PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho hay, trong chủng vi khuẩn tụ cầu, phổ biến nhất là tụ cầu vàng. Mọi người đều có thể bị ngộ độc khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng. Thức ăn khi bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng sẽ gây ra ngộ độc. Khi con người bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng chủ yếu nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn này. Độc tố này khi vào cơ thể làm cho toàn bộ hệ thống tiêu hóa bị tê liệt, ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.

 Vi khuẩn tụ cầu vàng. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Trần Đáng, biểu hiện của việc ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng gồm: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, suy nhược thần kinh, chóng mặt, nhức đầu… Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 2- 4 giờ, chậm nhất đến 12 giờ. Các bệnh nhân bị ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng, với trường hợp nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn đến tử vong.

Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất là: Sữa, thịt băm, thịt gia súc, gia cầm, tất cả chất đạm (có thể chế biến nấu nướng), … Khi những thực phẩm này nếu không được bảo quản hoặc bảo quản không đúng cách, để bị ôi thiu dễ nhiễm tụ cầu vàng. Đặc biệt, PGS.TS Trần Đáng cảnh báo, tụ cầu vàng còn tồn tại rất nhiều trong cơ thể con người. Loại vi khuẩn này thường ẩn nấp trong mũi, miệng, mắt, tay, nách… Do đó, nguy cơ dễ nhiễm vào trong các loại thực phẩm.

“Do đó, khi chế biến, chia thực phẩm, mỗi người dân phải giữ gìn vệ sinh đảm bảo an toàn thực phẩm, đeo găng tay, khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ. Người tiêu dùng khi mua thực phẩm phải chọn cẩn thận, bảo quản để thực phẩm không bị ôi thiu, ô nhiễm. Dụng cụ chế biến thực phẩm cũng phải được giữ vệ sinh sạch sẽ” - PGS.TS Trần Đáng khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ món ăn nào, thậm chí, cả trong nước uống. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, quá trình lựa chọn thực phẩm dù rất tốt, tươi sống, đảm bảo ATTP nhưng vẫn có thể nhiễm vi khuẩn từ nhà bếp tới bàn ăn. Trong trường hợp các học sinh bị nhiễm tụ cầu thời kỳ ủ bệnh thường ngắn từ 30 phút đến 6 giờ. Triệu chứng là đột ngột đau bụng dữ dội và nôn nhiều, thường xuất hiện sớm trước khi bị tiêu chảy.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang