Sông Nhuệ...kêu cứu

author 17:29 08/04/2012

Dòng sông Nhuệ đoạn chạy qua xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) bốc mùi tanh nồng nặc. Nước ngả một màu đen đặc quýnh lẫn lộn với rác

Dòng sông “chết”

Đối diện UBND xã Cự Khê là một khúc sông đen ngòm, nước tù đọng như nước cống. Mặt sông là những “cây” rác trôi phập phồng, rác đủ loại nổi lềnh bềnh từng búi.

Là hạ nguồn của sông Nhuệ, đoạn sông này phải gánh chịu mọi uế chất ở  thượng nguồn chảy về. Thôi thì thượng vàng hạ cám, từ nước thải của các nhà máy, làng nghề chưa qua xử lí ở Hà Đông, đến rác thải dân sinh đoạn cầu Bươu đổ ra, chảy tới Cự Khê lại … bắt dòng với đám chất thải của người dân xã này quăng xuống. Xã Cự Khê có khoảng 6.000 hộ dân, hầu hết các hộ đều coi sông Nhuệ là bãi rác, tự tiện xả rác lẫn lộn cả hữu cơ và vô cơ, nước thải xuống sông.

Con sông vì thế mà ô nhiễm. Từ khoảng chục năm nay mức độ ô nhiễm của khúc sông Nhuệ này ngày thêm trầm trọng. Dòng  nước trở nên đen ngòm, hôi thối nặc nụa. Cá tôm không sống nổi trong nước ấy, sinh bệnh chết trắng, rồi dần dần biết mất. Có thời kì cá nổi đầy sông, dân làng cũng không buồn vớt. Cá không chịu được, nói chi chuyện người dám dùng nước sông để tắm giặt, tưới tiêu!.  Không chỉ thế, nước sông còn làm ô nhiễm cả nguồn nước ngầm.

Sông Nhuệ bốc mùi
Sông Nhuệ bốc mùi

Ông Đặng Anh Phương, Phó Chủ tịch xã Cự Khê cho biết, cách đây hơn một năm, đoàn  kiểm tra vệ sinh môi trường huyện Thanh Oai có về phân tích mẫu nước giếng khoan của những nhà sống hai bên sông. Kết quả cho thấy nước bị nhiễm asen ở mức độ cao, chiếm khoảng 10 – 12%.  Con sông cũng bị quy kết là thủ phạm chính gây ra các bệnh ngứa, hắc lào, thậm chí ung thư. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, số bệnh nhân ung thư tại xã Cự Khê tăng thêm chục người, hầu hết là người dân ở Cự Đà và Khúc Thủy. Đây là hai thôn nằm ven khúc sông Nhuệ thuộc xã Cự Khê.

Ông Phan Tiến Lợi (thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê), một trong những bệnh nhân ung thư cho biết, từ năm 2009 ông có dấu hiệu ho khan, miệng hơi mùi máu. Khi khám ở bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ nghi ngờ ông có u. Ở viện Lao phổi TW, bác sĩ chẩn đoán ông bị u phổi. Khi lấy tế bào xét nghiệm ở bệnh viện K và viện Lao phổi, ông bị kết luận là bị viêm phế quản.

Từ tháng 6/2010, sau một thời gian liên tục sốt, ho, ông Lợi vào viện 103 xét nghiệm và biết mình bị ung thư phế quản. Sau gần nửa năm nằm viện, sức khỏe của ông đã tiến triển, nhưng giọng nói yếu đi rất nhiều. Dù mới ngoài 60 tuổi, tiếng ông nghe thều thào, lắng tai mới nghe được. Ông Lợi cho rằng bệnh của mình có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó người nhà ông vẫn nghĩ nguồn nước và bầu không khí ô nhiễm do con sông trước cổng nhà gây ra là nguyên nhân lớn.

Ông Lợi kể: sông Nhuệ trong kí ức thuở nhỏ của ông là con sông trong lành, luôn hồng màu phù sa do được nước sông Hồng đổ vào. Nguồn nước sinh hoạt của người dân trong xã chủ yếu lấy từ sông Nhuệ (bằng cách đánh phèn nước sông). Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, sông biến mùi biến chất nặng nề.

Người không dám nhúng chân xuống sông, chưa nói tới chuyện tôm cá “thọ” được ở đó. Mỗi lần có vài giọt mưa lất phất hoặc mỗi khi tàu đò đi qua, khua chân vịt thì mùi nước hăng nồng, tanh tưởi lại xông lên sặc sụa. Hầu như cả mùa mưa, nhà ông Lợi, cũng như hơn 3.000 hộ dân hai bên sông chỉ còn cách đóng cửa cho bớt mùi. Người em của ông Lợi, ông Phan Đại Mỗ (ngõ 13, số nhà 100, thôn Cự Đà) cũng bị ung thư từ vài năm nay. Hiện tại ông Mỗ nằm liệt giường, sức khỏe rất yếu.

Cách nhà ông Lợi vài trăm mét là trạm bơm Khê Tang, trạm vẫn dùng nước từ một nhánh của sông Nhuệ (cũng bị ô nhiễm) để cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng trong xã. Như vậy, người dân vẫn gián tiếp sống dựa vào nguồn nước ô nhiễm đó. Và cũng thẳng tay “nêm” mùi vị độc cho nó bằng cách vứt rác bừa bãi ra sông.

Thiếu đất, rác “tập kết” trên sông

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm khúc sông này là sự xả rác vô tội vạ của người dân. Song việc kiểm soát thực trạng trên chẳng khác gì bắt cua bỏ bể. Chính quyền xã không thể “rình” 24/24 giờ để bắt quả tang ai xả rác. Vả lại bà con  cũng chẳng “thèm” xả trộm, họ công khai tuôn thẳng mọi thứ phế thải giữa ban ngày ban mặt xuống sông; những nhà hai bên đường đứng ở cổng ném rác ra bờ sông cũng không ai cấm được. Dân ném rác ra rồi lại kêu sông thối, chính quyền cũng bất lực. “Người dân chỉ biết kêu. Còn chính quyền không đủ quyền pháp lí cũng như công cụ để xử lý vấn đề ô nhiễm này”, ông Phó Chủ tịch xã Cự Khê lắc đầu.

Song theo ông Phương, cũng không thể trách dân, bởi nếu không xả rác ra sông, họ  không biết phải xả đâu. Bất cập là xã không có quỹ đất để làm bãi rác (do đất trong xã thuộc diện quy hoạch, chờ giải phóng mặt bằng). Vì vậy, mọi biện pháp khắc phục chỉ dừng ở việc kêu gọi, tuyên truyền dân không xả rác bừa bãi, phân loại rác vô cơ và hữu cơ, hạn chế dùng túi nilon,… và dọn vệ sinh tập thể hàng tuần.

Ông Phương đề xuất kế hoạch kết hợp bên công tác môi trường vận động dân sắm thùng rác, dùng túi xách bảo vệ môi trường thay túi nilon. Ông phàn nàn về thói quen chuộng túi nilon của bà con. Đi chợ, bất cứ đựng thứ gì, dù chỉ mớ rau, hay vài nhánh tỏi người mua cũng dùng túi nilon; người bán dường như không tiếc vài lạng túi nilon cho khách. Chính quyền xã cũng bày tỏ mong muốn thành phố có dự án cải tạo, nạo vét sông Nhuệ (như từng làm với sông Tô Lịch). Song mong ước ấy khi nào thực hiện thì chưa ai biết.

Theo Petrotimes

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang