Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP, Nghị định 86/2012/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP

author 07:35 04/07/2021

(VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Sự kiện: CHUYÊN ĐỀ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN 996

Ngày 17/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1258/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 (Quyết định số 1258/QĐ-TTg).

Theo đó, tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Nghị định số 74/2018/NĐ-CP) và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường (Nghị định số 86/2012/NĐ-CP).

 Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời, trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được ý kiến phản ánh của một số Hiệp hội, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc liên quan đến sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Nghị định số 132/2008/NĐ-CP) và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg và để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua về sử dụng mã nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

 

Cụ thể, đối với Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP để triển khai Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn (trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật) và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biết, hướng dẫn thực hiện.

 Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

 

Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 được ban hành đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng) cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có cả giải thưởng chất lượng quốc gia từ cấp địa phương đến trung ương.

Qua gần 12 năm triển khai thực hiện Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, thị trường trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP. Nghị định số 74/2018/NĐ-CP về cơ bản đã giải quyết được các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 132/2008/NĐ-CP.

Trong đó, đã quy định cụ thể việc xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn theo hướng giao trách nhiệm cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sau khi thống nhất với Bộ KH&CN để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Đây là căn cứ quan trọng để các Bộ, ngành xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn và quy định biện pháp quản lý phù hợp với từng loại sản phẩm, hàng hóa.

Đã quy định về thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. Theo đó, căn cứ mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực lựa chọn biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu cho phù hợp.

Đồng thời tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP cũng đã quy định việc miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu; việc miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu. Đối với hàng hóa áp dụng biện pháp hậu kiểm (việc kiểm tra căn cứ trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật), thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa chỉ tối đa 01 ngày. Đồng thời, đã quy định đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 03 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 02 năm.

Đã chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sang cơ chế hậu kiểm. (Ảnh minh họa)

Việc triển khai quy định nêu trên đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, ví dụ như đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sang cơ chế hậu kiểm (áp dụng biện pháp quản lý theo điểm a, b nêu trên). Như vậy, trong năm 2019 và năm 2020, chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm (bao gồm chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu), cụ thể: năm 2019 thì ước tính tổng chi phí giảm được cho các doanh nghiệp khoảng gần 590 tỷ đồng và năm 2020 tổng chi phí giảm được cho doanh nghiệp là hơn 830 tỷ đồng;

Đã quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp và thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp để bảo đảm hoạt động chỉ định được thực hiện thống nhất, tuân thủ theo đúng các quy định, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả;

Đã quy định cụ thể hơn các nội dung về “Giải thưởng chất lượng quốc gia” để phù hợp với thực tế triển khai, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giải thưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Bên cạnh đó, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về quản lý mã số, mã vạch để phát huy được vai trò của mã số, mã vạch và quản lý thống nhất hoạt động này; Đồng thời, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhằm tăng thêm vai trò, trách nhiệm đầu mối của Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, phù hợp với các văn bản có liên quan; Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để tăng thêm vai trò, trách nhiệm đầu mối của Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương như chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra hàng năm tại địa phương về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa.

Tuy nhiên, đối với Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để giải quyết các nội dung vướng mắc; Bên cạnh đó,trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được ý kiến phản ánh của một số Hiệp hội, Hội, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc liên quan đến sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP. Theo đó, quy định này là tạo thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu phải mất thời gian để làm thủ tục trước khi xuất khẩu hàng hóa; 

Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống các văn bản pháp lý của Việt Nam về vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ còn rất sơ khai, chủ yếu là các văn bản quy định, hướng dẫn nhằm giải quyết một phần yêu cầu của thực tiễn vận hành, quản lý đặt ra, chưa mang tính tiêu chuẩn, quy chuẩn, chưa phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, đang tồn tại một số vấn đề bất cập trong quá trình triển khai truy xuất nguồn gốc thời gian qua. Mặc dù Nghị định số 74/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tuy nhiên, vẫn còn chồng chéo về trách nhiệm quản lý chất lượng

Đối với Nghị định số 86/2012/NĐ-CP để triển khai Luật Đo lường năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường, Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định kiểm tra chuyên ngành; ban hành hơn 13 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 quy định kiểm tra nhà nước về đo lường, Quyết định số 2284/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2018 về việc công bố Bảng mã HS đối với phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường khi nhập khẩu. Đồng thời, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biết, hướng dẫn thực hiện.

 Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đo lường năm 2011 được ban hành đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về đo lường (trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng của hàng đóng gói sẵn, phép đo…).

Qua gần 8 năm triển khai thực hiện Nghị định số 86/2012/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về đo lường đã có nhiều chuyển biến tích cực theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường đối với các phương tiện đo nhập khẩu đã có hiệu quả, góp phần vào việc hạn chế phương tiện đo nhập khẩu không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về đo lường, tăng tính chấp hành quy định pháp luật về đo lường bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong đo lường. Số lượng mẫu phương tiện đo nhập khẩu đã thực hiện thủ tục phê duyệt mẫu hằng năm đều tăng.

Đặc biệt, sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 2284/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2018 về việc Công bố Bảng mã HS đối với phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường khi nhập khẩu thì số lượng phương tiện đo nhập khẩu tăng đột biến đến 70% trong năm 2019.

Tuy nhiên, quá trình đánh giá của bộ, ngành, địa phương về thực trạng thi hành các quy định của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP, đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn quan đến hoạt động kiểm tra phương tiện đo nhóm 2 nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.

Ngày 17/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1258/QĐ-TTg. Tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.

Đối với Nghị định số 86/2012/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn theo hướng: chuyển việc phê duyệt mẫu đối với phương tiện đo nhóm 2 thực hiện sau thông quan (trước khi đưa vào sản xuất, lưu thông tại thị trường nội địa) nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Quy định cụ thể này là Quy định về việc phối hợp kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn nhập khẩu được quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.

Do đó, việc nghiên cứu các yêu cầu tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg và tiếp thu các kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương trong quá trình đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 86/2012/NĐ-CP để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2012/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế là cần thiết.

Từ những thực tế trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Về phạm vi điều chỉnh: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; miễn kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu; về sử dụng mã số mã vạch nước ngoài; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và phân công trách nhiệm quản lý chất lượng đối với các Bộ, ngành; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP liên quan đến quy định về việc phối hợp kiểm tra phương tiện đo nhóm 2, lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nhập khẩu.

Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, phương tiện đo nhóm 2, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nhập khẩu và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phương tiện đo nhóm 2, lượng của hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nhập khẩu tại Việt Nam.

Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP là cần thiết, nhằm triển khai thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg và giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua về sử dụng mã nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và phân công trách nhiệm quản lý chất lượng đối với các Bộ, ngành.

Về quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ KHCN nhấn mạnh, thứ nhất, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, phù hợp với quan điểm của Chính phủ trong nhiều năm trở lại đây là xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Thứ hai, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp và mục tiêu quản lý Nhà nước; phù hợp với xu hướng phát triển, triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới hiện nay.

Thứ ba, thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định ASEAN…

Doanh nghiệp đầu tư cho KHCN để vượt ‘bão’ COVID-19(VietQ.vn) - Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, DN buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang