Tái mắc Covid-19 phổ biến như thế nào?

author 06:28 12/03/2022

(VietQ.vn) - Theo kết quả nghiên cứu, bất kỳ ai đã mắc Covid-19 đều có thể dễ dàng bị nhiễm lại một thời gian ngắn sau đó.

Một giả thuyết được đặt ra là nếu nhiều người bị nhiễm nCoV, sau đợt mắc bệnh và hồi phục, bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao sẽ giúp làm giảm tỷ lệ lây nhiễm? Thật không may, điều đó dường như không chính xác.

Rất nhiều người sau khi mắc COVID-19 thì chủ quan cho rằng mình có kháng thể cực mạnh, lại đã tiêm 3 mũi vaccine nên không lo bị tái nhiễm trong ít nhất 3-6 tháng. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp mắc COVID-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2.

Theo kết quả nghiên cứu đầu tiên của Đại học California thực hiện tại Đan Mạch, số trường hợp và tình trạng tái mắc Covid-19 với chủng Omicron xảy ra thường xuyên hơn. Nói cách khác, bất kỳ ai đã mắc Covid-19 đều có thể dễ dàng bị nhiễm lại một thời gian ngắn sau đó.

Bất kỳ ai đã mắc Covid-19 đều có thể dễ dàng bị nhiễm lại một thời gian ngắn sau đó.

Một nghiên cứu của Đại học California đã xem xét kỹ hơn sự hình thành các kháng thể sau khi mắc Covid-19. Kết quả cho thấy hệ thống miễn dịch của những người đã bị nhiễm biến thể Omicron thường có triệu chứng nhẹ hơn các biến thể khác và phát triển quá ít kháng thể. Điều này có nghĩa những người bị ảnh hưởng không miễn dịch với Omicron hoặc biến thể Covid-19 khác.

Do đó, nghiên cứu đã cung cấp thông tin quan trọng về khả năng tái nhiễm sau khi nhiễm Omicron. Một nghiên cứu của Anh bởi Đại học Imperial, London, trước đây đã chỉ ra việc tái nhiễm Covid-19 là có thể xảy ra. Cụ thể, xác suất cho Omicron cao hơn 5,4 lần so với biến chủng Delta.

Dữ liệu từ một nghiên cứu hiện tại của Viện Virus học tại Đại học Y khoa Innsbruck đã phân loại biến thể Omicron SARS-CoV-2 là một dòng virus gây bệnh mới. Cụ thể, cách phân loại này có nghĩa các thành phần miễn dịch được tạo ra bởi biến thể này không thể vô hiệu hóa virus gốc SARS-CoV-2 và các biến thể như Alpha, Beta, Gamma và Delta. 

 Bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2

Số lượng nhiễm SARS- CoV-2 đang tăng lên ồ ạt do biến chủng Omicron rất dễ lây lan. Theo WHO, Omicron hiện chiếm hơn 90% tổng số mẫu SARS-CoV-2 được thu thập. Biến chủng Omicron có hơn 50 đột biến trong vật liệu di truyền, hầu hết trong số đó là ở protein mà virus dùng để bám vào tế bào người. Đây cũng là mục tiêu của vaccine thế hệ đầu tiên. Những thay đổi này khiến các kháng thể từ những người đã hồi phục và đã được tiêm vaccine phản ứng kém hơn.

Các nhà khoa học đã phân tích 1,8 triệu trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 từ 11/2021 đến 2/2022. Trong số này, 147 người đã mắc Covid-19 hai lần trong khoảng thời gian từ 20 đến 60 ngày. Hầu hết chỉ gặp triệu chứng nhẹ và không ai phải đến bệnh viện. Ngoài ra, hầu hết những người bị nhiễm lại đều trẻ hơn và chưa được tiêm chủng. 

Khả năng tái nhiễm COVID-19 sau khi vừa khỏi bệnh như thế nào?

Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng này, ví dụ như Detal, sau đó là nhiễm biến chủng mới như Omicron. Đối với những người đã nhiễm biến thể Omicron rồi thì rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng trong thời gian ngắn.

Bản thân là người bị tái nhiễm 2 biến chủng virus khác nhau, tiến sĩ Lê Minh đánh giá giữa chủng Detal và Omicron sẽ có những đặc điểm khác nhau, đó là: Người nhiễm biến chủng Detal rất nhiều người bị mất mùi (5-6 ngày sau phát bệnh sẽ mất mùi). Do vậy, trong một chuỗi lây nhiễm từ nhau không ai mất mùi thì rất có thể 80-90% là nhiễm Omicron.

Tiến sĩ Minh cho biết, việc tái nhiễm COVID-19 với 2 biến thể khác nhau là có thể xảy ra, nhất là khi khỏi bệnh đã 2-3 tháng. 

“Sau khi mắc biến chủng Omicron, kháng thể được tạo ra thường không cao bằng sau khi mắc biến chủng Detal, nên dù chúng ta còn kháng thể nhưng khả năng chống chịu của cơ thể đã suy giảm, khả năng tái nhiễm vẫn có thể xảy ra trong một tháng, nhất là người có hệ miễn dịch yếu. Đó là lý do mọi người tuyệt đối không chủ quan. Thông thường nguy cơ tái nhiễm sau khoảng 3 tháng sẽ cao hơn”, tiến sĩ Lê Minh phân tích.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, việc tái nhiễm COVID-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau.

Dù vậy, bác sĩ Khanh cho rằng mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng vì khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19.

“Với những người chưa tiêm vaccine, hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác. Khi nhiễm hoàn toàn có nguy cơ trở nặng”, bác sĩ Khanh cho hay.

Các vaccine hiện tại hoạt động như thế nào để chống lại sự lây nhiễm

Đối với những người được chủng ngừa bằng mũi tiêm nhắc lại, Viện Robert Koch (RKI) đánh giá rủi ro là “vừa phải”. Báo cáo 50 từ Đại học Hoàng gia London, Anh ủng hộ giả định này. Ở những người được tiêm phòng nhắc lại, xác suất nhập viện giảm tới 63%.

Omicron có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn. 

Omicron sẽ có thể vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ thống miễn dịch, các kháng thể. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch của những người được tiêm chủng có các phương tiện khác để tự vệ, chẳng hạn như phản ứng của tế bào T..

Công ty dược Pfizer coi hai liều vaccine là không đủ khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy hiệu quả chống lại nhiễm trùng có triệu chứng với Omicron giảm xuống còn 34% trong 15 tuần sau liều Biontech/Pfizer thứ hai. Những người được tiêm hai liều chế phẩm AstraZeneca không còn tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm trùng có triệu chứng. Hai tuần sau khi tiêm chủng nhắc lại, hiệu quả của cả hai chế phẩm đã tăng lên hơn 70%.

Một liều tăng cường Moderna cũng làm tăng đáng kể hệ thống miễn dịch của cơ thể. So với tiêm vaccine kép như Pfizer hay Astrazeneca, mức độ kháng thể trung hòa tăng khoảng 37 lần sau khi tiêm nhắc lại, theo công ty. Theo WHO, các vaccine đã được phê duyệt tiếp tục bảo vệ tốt chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong.

Theo WHO, việc kết hợp các biện pháp ngoài tiêm chủng như khẩu trang, khoảng cách, thông gió, vệ sinh tay là rất quan trọng.

Luôn thực hiện 5K, tiêm đủ mũi vắc xin

TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) khuyến cáo: “Nhiều người nhiễm xong rồi cứ mặc kệ, coi như khỏi là xong mà quên mất phần còn lại sau đấy là cả hệ thống cơ thể của mình còn cần thời gian thải trừ hết tàn tích của vi rút, loại bỏ vi rút một cách triệt để. Nhiều khi tàn tích vi rút còn sót lại rất lâu, chứ không phải âm tính coi như xong. Nhiều người tái dương tính chỉ sau vài ngày quay lại làm việc”.

Theo BS Thái, âm tính không có nghĩa là đã “thoát”, mà cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của vi rút. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng để chống lại các đợt tấn công mới, vì sau này nguy cơ tái nhiễm vẫn còn rất lớn. “Vi rút biến đổi sẽ có chủng mới, khi sống chung với nó thì khả năng tái nhiễm với chủng mới là khá dễ dàng. Sau này, khi có những vắc xin mới hơn, công nghệ tốt hơn, có thể sẽ có các khuyến cáo bổ sung để tiêm tăng cường với vắc xin mới”, BS Thái chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, các vi rút liên tục thay đổi, bao gồm vi rút gây bệnh Covid-19. Những thay đổi này có thể dẫn tới việc xuất hiện các biến thể, từ đó có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Bộ Y tế nhận định, trong nước có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến thể Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới ngoài Omicron.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; Phân bổ đủ thuốc kháng vi rút để phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19; Khuyến khích thành lập các mô hình đội tình nguyện để tổ chức triển khai hoạt động điều trị tại nhà với các ca nhẹ.

Ngọc Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang