Tạm giữ gần 10 tấn bột ngọt vi phạm về nhãn hàng hóa

author 07:07 21/03/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên vừa kiểm tra, phát hiện gần 10 tấn bột ngọt do nước ngoài sản xuất vi phạm về nhãn hàng hóa, trên địa bàn TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên cho biết, ngày 20/03/2023, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên phối hợp Phòng PC08 - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra phương tiện xe ôtô tải biển kiểm soát số 78H-009.23 do ông Bùi Duy Tùng (sinh năm 1984 có hộ khẩu thường trú tại phường 4, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là người trực tiếp điều khiển phương tiện.

Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên phát hiện trên xe đang vận chuyển gần 10 tấn bột ngọt (loại bao 25kg) trên bao bì in sản xuất bởi Fufeng, nước sản xuất Trung Quốc.

Gần 10 tấn bột ngọt vi phạm nhãn hàng hóa bị lực lượng chức năng tạm giữ 

Toàn bộ số bột ngọt trên được in nhãn gốc trên bao bì bằng tiến nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định của pháp luật. Hiện, lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, theo các chuyên gia sức khỏe, tùy vào bản chất của loại bột ngọt không rõ nguồn gốc như: có đủ hàm lượng bột ngọt, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), có đáp ứng về mặt các tiêu chuẩn (vi sinh, kim loại nặng, độc chất,…) hay không mới có thể kết luận chính xác loại bột ngọt này có tác hại như thế nào.

Khi mua và sử dụng phải loại sản phẩm này, trước mắt, người tiêu dùng đã bị mất tiền oan, nếu không đảm bảo về mặt ATVSTP thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cơ thể như gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Nếu như có các chất độc hại sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan thận của cơ thể.

Bên cạnh đó, việc sử dụng bột ngọt giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, không bảo đảm ATVSTP, về lâu dài sẽ dẫn tới việc chất độc hại tích tụ trong cơ thể và gây ra các bệnh mạn tính...

Không riêng bột ngọt, tất cả các loại phụ gia nếu không có tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP thì không được sử dụng trong thực phẩm, người tiêu dùng nên mua bột ngọt ở những cửa hàng có uy tín, bên cạnh đó nên tìm hiểu nhãn mác, tem bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng sản phẩm.

Quy định mới về ghi nhãn hàng hóa từ ngày 15/02/2022

Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới cần lưu ý như phạm vi điều chỉnh, quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022.

Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh. Theo đó, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trước đây, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP không điều chỉnh đối với hàng hóa xuất khẩu).

Đối với các loại hàng hóa đặc biệt như bất động sản; thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản)… theo quy định tại khoản 2 Điều 1 không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, quy định rõ hơn về những thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: (1) Tên hàng hóa; (2) tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; (3) xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; (4) các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm tại Phụ lục I và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định. Nếu kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi các nội dung (1), (2), (3) trên nhãn, riêng nội dung (4) được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

Trường hợp trên nhãn gốc chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa. Sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt; hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó; hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.

Đặc biệt, đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.

Thứ tư, quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa. Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước/vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Không được viết tắt tên nước/vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Thứ năm, bãi bỏ và thay thế một số quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể, bãi bỏ khoản 2 Điều 8; điểm b khoản 2 Điều 5; một đoạn nội dung tại khoản 4 Điều 8; các Phụ lục I, IV; V tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và thay thế bằng các Phụ lục I, IV, V tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP. Nếu hàng hóa có nhãn đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP đã sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trước ngày 15/02/2022 thì tiếp tục được lưu thông, sử dụng đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa. Nếu hàng hóa có nhãn đúng quy định mà không bắt buộc phải ghi hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng. Nếu nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa đúng quy định đã sản xuất, in ấn trước ngày 15/02/2022 thì được tiếp tục sử dụng để sản xuất hàng hóa nhưng không quá 02 năm kể từ ngày 15/02/2022.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang