Hóa chất được tìm thấy trong mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh có nguy cơ gây sinh non

author 14:04 20/03/2023

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu của Đại học Columbia đã phát hiện ra các hóa chất tích tụ trong "cô bé" có khả năng bắt nguồn từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân gây sinh non tự phát.

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu Đại học Columbia trên 232 phụ nữ mang thai cho thấy, một số hóa chất phi sinh học được tìm thấy trong mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh có thể liên quan đến nguy cơ sinh non.

Theo  TS. Tal Korem, Khoa Sản phụ, Đại học Columbia cho biết, chúng ta cần xem xét kỹ hơn xem liệu các phơi nhiễm hoá chất trong môi trường thông thường có thực sự gây ra sinh non hay không và nếu có thì có thể hạn chế được những phơi nhiễm có khả năng gây hại này.

Sinh non là sinh con trước 37 tuần của thai kỳ, là nguyên nhân số một gây tử vong ở trẻ sơ sinh và có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe suốt đời. Hai phần ba số ca sinh non xảy ra một cách tự nhiên. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu sâu rộng, nhưng không có phương pháp nào để dự đoán hoặc ngăn ngừa sinh non tự phát.

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng, sự mất cân bằng hệ vi sinh trong 'cô bé' có liên quan đến sinh non và các vấn đề khác trong thai kỳ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên hệ giữa các quần thể vi sinh vật cụ thể với các kết quả thai kỳ bất lợi.

 Hóa chất được tìm thấy trong mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh có nguy cơ sinh non. Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu do TS. Korem và TS. Maayan Levy, Đại học Pennsylvania, đồng dẫn đầu, đã quyết định có một cái nhìn bao quát hơn về môi trường vi sinh "cô bé" bằng cách xem xét hệ thống chuyển hóa của nó.

Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà khoa học đã đo lường hơn 700 chất chuyển hóa khác nhau trong hệ thống chuyển hóa, trong tam cá nguyệt thứ hai của 232 phụ nữ mang thai, trong đó có 80 trường hợp bị sinh non. Nghiên cứu đã tìm thấy nhiều chất chuyển hóa cao hơn đáng kể ở những phụ nữ sinh sớm so với những người sinh đủ tháng.

TS. Korem cho biết: Một số chất chuyển hóa này là những chất hóa học không được sản xuất bởi con người hoặc vi khuẩn. Chúng bao gồm diethanolamine, ethyl-beta glucoside, tartrate và axit ethylenediaminetetraacetic... tất cả đều có thể được tìm thấy trong mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh.

Sử dụng các mô hình học máy, nhóm cũng đã phát triển một thuật toán dựa trên mức độ chất chuyển hóa, có thể dự đoán sinh non, với độ chính xác cao, có khả năng mở đường cho việc chẩn đoán sớm.

Mặc dù các dự đoán chính xác hơn so với các mô hình dựa trên dữ liệu hệ vi sinh vật và các đặc điểm của người mẹ (như tuổi, chỉ số BMI, chủng tộc, tiền sử sinh non và các lần sinh trước), nhưng mô hình mới vẫn cần được cải thiện và xác nhận thêm, trước khi có thể sử dụng trong phòng khám. Nhưng kết quả này chứng minh rằng các chất chuyển hóa âm đạo có khả năng dự đoán trước thai phụ có khả năng sinh non.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính toàn cầu có khoảng 15 triệu trẻ sinh non ra đời, tỷ lệ 1/10 trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam, số trẻ sinh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ trẻ sinh non khoảng 7%, mỗi năm khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời.

Sinh non được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, do các biến chứng. Nhiều bé sống sót nhưng phải đối mặt với tình trạng khuyết tật suốt đời, bao gồm khuyết tật thần kinh, tim mạch, thị giác, thính giác.

Viện Quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người (NICHD) của Mỹ, thống kê trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi ít cơ hội sống sót, tỷ lệ sống đến khi xuất viện của trẻ 22 tuần thai là 6%, 23 tuần là 26%. Trẻ sinh non sau 24 tuần tuổi có tỷ lệ sống cao hơn, bé sinh ở tuần thứ 26 cơ hội sống sót khoảng 78%. Tuy nhiên, khoảng 4/10 trẻ sinh non sống ở tuần thai này sẽ gặp các vấn đề về hô hấp, thị lực, thính lực, chậm phát triển trí tuệ so với trẻ đủ tháng.

Bác sĩ khuyến cáo bà bầu cần khám thai định kỳ và theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa, chăm sóc tốt quá trình thai nghén không để xảy ra sinh non. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh trong vòng một đến hai giờ đầu, bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng đề kháng. Gia đình nên phối hợp bác sĩ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của con, kịp thời xử trí khi có biến chứng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang