Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển

(VietQ.vn) - Các chuyên gia cho rằng, để vực dậy nền kinh tế, vấn đề lớn nhất của chúng ta là phải nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi.
Áp dụng giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
Yên Bái: Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng, để vực dậy nền kinh tế, vấn đề lớn nhất là phải nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp phục hồi.
Theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, gói hỗ trợ nên đi theo hướng quan trọng, chủ đạo là phổ quát, tức làm sao giảm chi phí đồng đều cho mọi doanh nghiệp, cho tất cả cùng được hưởng lợi. Như vậy sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho cả nền kinh tế cùng phát triển.

Cụ thể, trong hỗ trợ phổ quát, các chính sách về tiền tệ, đầu tư công là những chính sách mang tính đột phá, đóng vai trò then chốt, để làm sao giảm được chi phí cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi và bứt phá. Ví dụ như dệt may chiếm lĩnh thị trường rất lớn, nếu có các chính sách hỗ trợ để tăng nhanh và tiếp cận, chiếm lĩnh được thị trường thì sẽ có rất nhiều ý nghĩa đối với ngành này trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là một trong những công cụ rất quan trọng để tăng nhu cầu về vốn, tăng nhu cầu việc làm và tăng vòng quay tiền tệ trong nền kinh tế. Tăng giải ngân đầu tư công còn giúp đưa nhanh các công trình đầu tư công vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp giá trị gia tăng của nền kinh tế sẽ tăng nhanh, đồng thời giảm chi phí logistics và các chi phí khác cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ đồng đều để tránh làm méo mó thị trường, trong nền kinh tế cũng có những doanh nghiệp trước đại dịch vẫn hoạt động rất tốt nhưng hiện gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần phải kết hợp vừa hỗ trợ mang tính chất phổ quát, vừa hỗ trợ mang tính chất trọng điểm giúp các doanh nghiệp vốn đã hoạt động tốt này vực dậy sản xuất kinh doanh, thay vì tiếp tục rót vốn cho các doanh nghiệp “không làm, không nỗ lực, trở nên yếu đuối” sau đại dịch.
“Khi tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, cái khó là lựa chọn như thế nào, doanh nghiệp nào cần hỗ trợ nhất? Chúng ta thấy rằng, trong quá trình vận động của nền kinh tế, có những doanh nghiệp bị đào thải ra khỏi hệ thống bởi không còn phù hợp với xu thế phát triển công nghệ mới hiện nay. Đối với những doanh nghiệp do Covid-19, hay do quá trình vận động bị đào thải thì các chuyên gia quốc tế và chúng tôi cũng thống nhất quan điểm là không nên hỗ trợ nguồn vốn mà nên hỗ trợ doanh nghiệp khác tốt hơn.
Còn đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch, trước đại dịch họ hoạt động tốt, chứng tỏ họ đang trong quá trình kinh doanh tốt, vì đại dịch nên mới bị ảnh hưởng nhiều thì những doanh nghiệp này cần hỗ trợ để họ vực dậy sản xuất kinh doanh”, TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Thanh Tùng