Thanh Hóa siết chặt quản lý mỹ phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

author 18:58 04/09/2024

(VietQ.vn) - Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người dân đang ngày càng tăng cao, tuy nhiên thị trường mỹ phẩm hiện nay lại tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự xuất hiện tràn lan của hàng giả, hàng kém chất lượng. Trước tình hình này, Thanh Hóa đang nỗ lực siết chặt quản lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Mỹ phẩm giả nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe người dùng

Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người dân không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những nguy cơ tiềm ẩn khi thị trường mỹ phẩm trở thành một "mê hồn trận" với hàng giả và hàng thật lẫn lộn. Chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp rủi ro, nhập lậu và buôn bán hàng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, gây ra những nguy hại lớn cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp chân chính.

Mê hồn mỹ phẩm giả khiến những nhà kinh doanh chân chính đau đầu, người tiêu dùng chịu thiệt. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn

Anh Mã Văn Lực - Quản lý cửa hàng Derma Beauty tại thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, chia sẻ: “Các hàng hóa nhập khẩu chính ngạch phải nộp thuế đầy đủ cho nhà nước, khiến chi phí vận hành kinh doanh cao hơn so với hàng xách tay. Khách hàng có sự lựa chọn về giá, nhưng điều này vô tình tạo điều kiện cho hàng giả len lỏi vào thị trường.”

Điển hình là vụ việc ngày 28/3/2024, khi Công an TP Thanh Hóa phát hiện Trần Thị Phương, sinh năm 1995, chủ cửa hàng mỹ phẩm “Phương Trần” tại TP Thanh Hóa, kinh doanh sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Femfresh nghi là hàng giả. Sản phẩm này có xuất xứ từ Anh do thương hiệu Church & Dwight CO. Inc sản xuất, phân phối độc quyền tại Việt Nam bởi Công ty TNHH Phát triển và Thương mại Trần Gia. Qua điều tra, Trần Thị Phương thừa nhận từ đầu năm 2024 đã nhập và bán sản phẩm Femfresh giả để kiếm lời, với tổng số lượng 235 chai, trị giá gần 40 triệu đồng.

Công an TP Thanh Hóa đã mở rộng điều tra, triệu tập và tạm giữ hình sự đối với Phạm Thùy Dung và Nguyễn Thị Phượng, hai đối tượng trong đường dây cung cấp hàng giả. Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 794 chai Femfresh và hơn 15.000 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ.

Tại các địa phương khác như Sầm Sơn, Hà Trung, nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm cũng vi phạm tương tự, bày bán các sản phẩm không có tem nhãn phụ, không niêm yết giá, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, tạo điều kiện cho hàng giả xâm nhập thị trường. Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, nhưng tình trạng buôn bán mỹ phẩm trôi nổi trên mạng xã hội vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tác hại của việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng

Tại Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về da, trong đó nhiều người bị viêm da tiếp xúc, kích ứng, ngứa rát, mẩn đỏ do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Một bệnh nhân chia sẻ: “Tôi dùng kem trị nám mua trên mạng, sau vài ngày da bị ngứa và mẩn đỏ. Rất may là được điều trị kịp thời, nhưng mong mọi người nên cẩn thận, không nên tin vào các quảng cáo trên mạng.”

Bác sĩ Hoàng Văn Mạnh - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Thanh Hoá, cảnh báo: “Trong một số loại mỹ phẩm hiện nay có chứa chất độc rất nguy hại cho da. Khi sử dụng, người tiêu dùng có thể gặp phải những biến chứng như phồng rộp, tổn hại da rất nặng, thậm chí để lại sẹo khó điều trị.”

Các bác sĩ khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo trước các chiêu trò quảng cáo trên mạng xã hội và chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tem nhãn đầy đủ. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, cần đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở da liễu uy tín để khám và điều trị kịp thời.

TCVN 13634:2023 (ISO 17516:2014) về mỹ phẩm - vi sinh vật - giới hạn vi sinh vật

Theo đó, TCVN 13634:2023 quy định, mọi nhà sản xuất mỹ phẩm đều có trách nhiệm đến an toàn vi sinh vật và chất lượng sản phẩm của mình để đảm bảo các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện vệ sinh tốt. Mặc dù sản phẩm mỹ phẩm không yêu cầu vô khuẩn, nhưng chúng không được phép có quá nhiều vi sinh vật cũng như các vi sinh vật chỉ định mà có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc sự an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số sản phẩm mỹ phẩm được coi là có nguy cơ vi sinh thấp (TCVN 13641:2023 (ISO 29621)) có thể không cần phải kiểm tra vi sinh thường xuyên và nhà sản xuất có thể quyết định không thử nghiệm nếu họ có thể đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn này.

Nhà sản xuất nên tuân thủ các nguyên tắc thực hành sản xuất tốt (GMP), ISO 22716 và phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật từ nguyên liệu thô, quá trình chế biến và đóng gói.

Mục tiêu của tiêu chuẩn này là xây dựng các mức giới hạn định lượng và định tính vi sinh vật có thể chấp nhận được đối với các thành phẩm mỹ phẩm.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang