TP.HCM: Xử lý 474 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại

author 09:17 28/01/2024

(VietQ.vn) - Chỉ trong tháng 1/2024 các Đội Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 548 vụ chuyên ngành và liên ngành, tổng số vụ đã xử lý 474 vụ về hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại.

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, tháng 01/2024 là thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hoạt động kinh doanh hàng hóa có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng cũng sẽ tăng mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quyết liệt các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác nắm tình hình tại địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận khác; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế; chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử và các hành vi vi phạm thuộc chức năng, kiểm tra, xử lý của Quản lý thị trường.

Chỉ trong tháng 1/2024 các Đội Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 474 vụ về hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại. 

Kết quả trong tháng 01/2024, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 548 vụ chuyên ngành và liên ngành. Tổng số vụ đã xử lý là 474 vụ, thu nộp ngân sách với số tiền là 10.950.043.000 đồng, trong đó tiền thu phạt hành chính là 9.544.909.000 đồng, tiền bán hàng tịch thu là 1.404.234.000 đồng và 900.000 đồng tiền truy thu số lợi bất hợp pháp. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy là 14.453.590.000 đồng.

Trong kỳ, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 01 vụ có dấu hiệu phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trị giá tang vật vi phạm hơn 650 triệu đồng.

Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường thành phố còn tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố, Quận/Huyện và Thành phố Thủ Đức như liên ngành an toàn thực phẩm, liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; liên ngành kiểm tra giá và liên ngành kiểm tra Tết, liên ngành kiểm tra về lĩnh vực đo lường, chất lượng xăng dầu do Sở Khoa học và Công nghệ…, đã kiểm tra 89 vụ, có 12 vụ vi phạm. Cụ thể:

Ngày 13/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 9 kiểm tra Công ty TNHH TM DV dược mỹ phẩm H.M trên địa bàn thành phố Thủ Đức, phát hiện tại đây đang kinh doanh 83 lọ kem trộn dưỡng da không công bố sản phẩm mỹ phẩm, không chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 165.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Ngày 19/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra Hộ kinh doanh C.B trên địa bàn Quận 6, phát hiện tại đây đang kinh doanh 23.616 đơn vị sản phẩm sơn móng tay rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 90.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Ngày 22/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra Công ty TNHH XNK N.R.D trên địa bàn Quận 12, phát hiện tại đây đang kinh doanh 1.072 hộp thực phẩm khô, thực phẩm chứng năng và thuốc tân dược không có hóa đơn chứng từ. Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 245.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Ngày 03/01/2024, Đội Quản lý thị trường số 18 kiểm tra Công ty TNHH mỹ phẩm K. trên địa bàn huyện Hóc Môn phát hiện tại đây đang kinh doanh 430 tuýp kem lót không có hóa đơn, chứng từ. Kết quả xử lý, xử phạt với số tiền là 60.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Tổng Cục Quản lý thị trường nhận định, thời gian tới tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp do đó sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu, như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh,... tập trung tại các địa bàn phức tạp, nổi cộm, trọng điểm; đồng thời, đẩy mạnh phối hợp các lực lượng chức năng địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang