Tác hại khủng khiếp của hạt vi nhựa tới mô gan và não

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu mới nhất của Mỹ cho thấy, việc tiếp xúc trong thời gian ngắn với nước uống có chứa hạt vi nhựa gây ra những thay đổi ở mô gan và não.
Dùng túi nhựa, hộp nhựa bọc thực phẩm để trong lò vi sóng có thể giải phóng hàng tỉ hạt vi nhựa
Cảnh báo: Trung Quốc lần đầu phát hiện hạt vi nhựa trong tim người
Hạt vi nhựa có thể xuất hiện trong thực phẩm
Xử phạt Công ty MiLey Luxury và Công ty Nusee vi phạm trong hành nghề y, dược
Gần như toàn bộ môi trường của chúng ta hiện đang bị ô nhiễm. Nhựa và đặc biệt hạt vi nhựa là một trong những chất gây ô nhiễm phổ biến nhất trên hành tinh.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm nhân loại thải bỏ một lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất. Những mảnh chất thải nhựa sẽ bị phân nhỏ dưới các tác động cơ học thành các mảnh vụn nhựa nhỏ có kích thước dưới 5mm, còn được gọi là vi nhựa (microplastics).
Hạt vi nhựa (microplastic) là những mảnh nhỏ được hình thành từ quá trình phân hủy các sản phẩm nhựa như chai nhựa, túi nilon, đồ dùng bằng nhựa… thải ra môi trường. Loại hạt này có kích thước rất nhỏ, đường kính chỉ dưới 5mm. Ngoài ra, hạt vi nhựa còn được sản xuất chủ động ở kích thước nhỏ trong các sản phẩm kem đánh răng, tẩy tế bào chết...
Hạt vi nhựa được tìm thấy ở nhiều nơi trên trái đất như đại dương, sông, rừng núi, đất, cơ thể động vật... Trong đó, loại hạt này được tìm thấy nhiều nhất ở môi trường nước như các sông, suối, ao, hồ, mạch nước ngầm... Nhiều loài động vật, thực vật vô tình ăn phải các hạt vi nhựa, vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên các hạt này sẽ tích tụ lại trong cơ thể động vật, thực vật. Khi con người ăn phải chúng thì sẽ bị tích lũy hạt vi nhựa trong cơ thể và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra tác hại của hạt vi nhựa tới gan và não người. Ảnh minh họa
Mới đây một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Rhode Island (Mỹ) đã nghiên cứu về hạt vi nhựa ảnh hưởng như thế nào đến con người từ thử nghiệm trên loài gặm nhấm.
Nghiên cứu tập trung vào các tác động sinh học, nhận thức của việc tiếp xúc với vi nhựa và được công bố trên Tạp chí Multidisciplinary Digital Publishing Institute (MDPI).
Các nhà khoa học đã cung cấp nước uống có chứa hạt vi nhựa đến 3 nhóm chuột thí nghiệm trong 3 tuần. Chúng là các hạt polystyrene, kích thước 0,1-2 micromet.
Các thử nghiệm khác nhau đã được thực hiện ở mỗi nhóm động vật. Kết quả cho thấy việc tiếp xúc trong thời gian ngắn với nước uống có chứa hạt vi nhựa gây ra những thay đổi ở mô gan và não.
Những thay đổi về hành vi cũng đã được quan sát thấy ở động vật, nó phụ thuộc vào độ tuổi của con vật. Do đó, sự hiện diện của vi hạt nhựa trong nước uống hoặc trong thực phẩm của chúng ta có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức của con người.
Nghiên cứu khác do Đại học Vienna tiến hành, cho thấy các hạt polystyrene nhỏ có thể được phát hiện trong não hai giờ sau khi ăn vào. Những hạt vi nhựa và nhựa nano này có thể làm tăng nguy cơ viêm thần kinh và các bệnh thoái hóa thần kinh.
"Mạch máu não có chức năng ngăn chặn các tác nhân mầm bệnh hoặc chất độc đến não, song hạt vi nhựa và nhựa nano (MNP) có thể vượt qua nó", các nhà nghiên cứu giải thích.
Trong não, các hạt nhựa có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm, rối loạn thần kinh hoặc thậm chí các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer (mất trí nhớ).
Polystyrene là loại nhựa được sử dụng rộng rãi để đóng gói thực phẩm. Tuy nhiên, chúng không chỉ được tìm thấy ở rác thải đóng gói. Các nhà khoa học cho biết, nếu chúng ta uống 1,5-2 lít nước theo khuyến nghị mỗi ngày từ chai nhựa, tương ứng với việc nuốt phải khoảng 90.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Liên quan tới những cố gắng trong việc hạn chế hạt vi nhựa trên toàn cầu, hiện nay nhiều quốc gia thành viên EU đã đưa ra lệnh cấm sử dụng hạt vi nhựa chủ yếu trong sản xuất mỹ phẩm. Nhằm chấm dứt việc xuất khẩu rác thải nhựa tới các nước không đủ năng lực xử lý, Ủy ban châu Âu đã thông qua quy định mới về xuất, nhập khẩu và vận chuyển rác thải nhựa, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021.
Nghị viện châu Âu đã khuyến nghị EU thiết lập lệnh cấm ở quy mô toàn châu lục đối với tất cả các vi nhựa được sử dụng trong sản xuất các loại mỹ phẩm và các chất tẩy rửa, đồng thời phải có các biện pháp nhằm giảm thiểu việc thải vi nhựa từ vải, lốp xe, sơn và đầu lọc thuốc lá
Trước đó, từ năm 2019, Cơ quan Các sản phẩm hóa học châu Âu đã đề xuất hạn chế sử dụng các hạt vi nhựa cũng như các hợp chất formaldehyd và siloxane trong sản xuất nhiều loại sản phẩm như mỹ phẩm, các chất tẩy rửa, sơn, bột màu, vật liệu xây dựng, thuốc, các chất sử dụng trong nông nghiệp, dầu khí. Đề xuất này dựa trên kết luận của ECHA trong đánh giá các nguy cơ của những chất này đối với môi trường và sức khỏe con người.
Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni-lông”. Tại Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã phát động phong trào toàn quốc Chống rác thải nhựa vào tháng 6 năm 2019. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được ban hành cuối năm 2020 đã có các quy định mới về cơ chế Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (EPR). Theo đó, Luật đã quy định nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải, trong đó có chất thải nhựa. Về trách nhiệm tái chế chất thải, Luật BVMT lần đầu tiên đưa ra tỷ lệ tái chế và yêu cầu các công ty phải có trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ nhất định dựa vào khối lượng sản phẩm hoặc bao bì đóng gói sản phẩm mà họ đưa ra thị trường.
Cùng với đó, trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xác định về quy cách tái chế và đối với bao bì nhựa phải được tái chế thành một trong ba cách thức như: Sản xuất hạt nhựa tái sinh sử dụng làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp; sản xuất sản phẩm khác (bao gồm cả xơ sợi PE); sản xuất hóa chất (trong đó có dầu)…
Giảm thiểu tác hại của vi hạt nhựa cần trước tiên hạn chế và tiến tới không sử dụng đồ nhựa kém chất lượng, túi ni-lông khó phân hủy. Để đạt được mục tiêu này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của vi hạt nhựa đến môi trường, sức khỏe con người; thực hiện giải pháp định hướng hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni-lông thân thiện với môi trường trong nước; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường; xây dựng chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy sinh học; tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni-lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của túi ni-lông khó phân hủy và khuyến khích tái sử dụng, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương cùng các tổ chức xã hội cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã và đang tiến dần đến kiểm soát tốt hơn các nguồn thải sản sinh ra hạt vi nhựa; cùng với đó nâng cao trách nhiệm xã hội của các nhà sản xuất với các sản phẩm đưa ra thị trường nhằm hạn chế, kiểm soát tốt nhất sự ảnh hưởng của các hạt vi nhựa đến với con người, các loài động vật cũng như môi trường sống nói chung.
An Dương (T/h)