Thêm sản phẩm do Công ty Ngọc Thiên Ân 'bảo hộ' vi phạm pháp luật

author 08:43 13/09/2022

(VietQ.vn) - Quá trình tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Ngọc Thiên Ân (Công ty Ngọc Thiên Ân, địa chỉ: 1/12/27 Đường Tô Ký, Tổ 23, Khu phố 6, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM), PV còn ghi nhận thêm sản phẩm Dian Melasma Whitening Cream cũng do đơn vị này “bảo hộ” có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đăng tải bài viết phản ánh sản phẩm Viên uống Dian Beauty có dấu hiệu quảng cáo trái quy định pháp luật. Theo nội dung bài viết, Viên uống Dian Beauty được quảng cáo giúp dưỡng trắng toàn thân từ da mặt đến body, điều trị tận gốc sạm nám, tàn nhang, thâm mụn. Cân bằng chấm dứt các vấn đề về rối loạn nội tiết tố nữ như tóc khô sơ gãy rụng nhiều, kinh nguyệt không đều, mất ngủ, khô hạn giảm ham muốn, bốc hỏa... Cam kết hiệu quả sử dụng không bị hồi da khi ngưng sử dụng”.

Để người tiêu dùng tin vào công dụng tự “vẽ” trên, tổ chức kinh doanh Dian Beauty còn “nổ” sản phẩm là viên uống trắng da, trị nám tốt nhất hiện nay... Tiếp tục tìm hiểu, PV nhận thấy thêm sản phẩm “Kem trị nám Dian Melasma Whitening Cream cũng do đơn vị này “bảo hộ” đang quảng cáo trái quy định pháp luật. Cụ thể, tại trang https://myphamdianbeauty.com/, sản phẩm Dian Melasma Whitening Cream giới thiệu là loại kem có nguồn gốc thiên nhiên từ tảo biển, kết hợp vitamin C và một số thành phần khác, do đó có công dụng điều trị nám nặng, nám lâu năm, đồi mồi, tàn nhang, phá chân nám...

 Sản phẩm Dian Melasma Whitening Cream quảng cáo sai công dụng.

Theo quảng cáo, chỉ trong 7 ngày sử dụng Dian Melasma Whitening Cream sẽ cải tạo cấu trúc da, mang lại độ ẩm mượt trên bề mặt và độ đàn hồi từ sâu bên dưới làn da. Dùng từ 1-1,5 tháng giúp đẩy nhanh tiến trình trẻ hoá làn da như làm giảm sự hình thành các nếp nhăn, làm tươi sáng các vùng da khô sạm, mờ nám rõ rệt.

Để người tiêu dùng tin vào những quảng cáo trên, tổ chức kinh doanh còn khẳng định sản phẩm Dian Melasma Whitening Cream dễ sử dụng, mang lại hiệu quả điều trị cao, không tác dụng phụ. Đặc biệt, Dian Melasma Whitening Cream có tác dụng trong việc cải tạo lại làn da, chống lão hóa... kèm theo là đăng tải, ghép hình ảnh khách hàng giới thiệu đã hết nám, tàn nhang sau khi sử dụng loại kem này.

Do đó, nếu chỉ căn cứ vào nội dung quảng cáo, có thể đã được “đánh bóng” người tiêu dùng không thể phân biệt được chất lượng, công dụng của những loại mỹ phẩm nêu trên. Và hầu hết, theo ghi nhận người tiêu dùng rất dễ “mắc bẫy” do quảng cáo vượt quá công dụng. Vì vậy, nếu trong quá trình sử dụng sản phẩm không may gặp rủi ro, ảnh hưởng tới sức khoẻ, thậm chí là hậu quả nặng nề thì người tiêu dùng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, còn đơn vị phân phối thì có hàng trăm lý do để phủi trách nhiệm.

Mỹ phẩm dùng để làm đẹp nhưng có thể làm cho người dùng trở nên xấu xí, mặc cảm, thậm chí đe dọa đến sức khỏe nếu như họ không thật sự hiểu biết về sản phẩm. Bác sĩ Hoàng Văn Mạnh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa cho biết: Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6 đến 7 ca mắc bệnh về da do dùng sai mỹ phẩm, nhẹ thì dị ứng, viêm da, nổi mụn, bong tróc da; nặng thì sạm nám, bỏng rộp. Với những trường hợp này, người bệnh không chỉ bị ngứa rát, đau đớn mà để phục hồi tình trạng da trở lại như ban đầu còn rất tốn thời gian và tiền bạc. Điều đáng nói, trước đây chỉ nữ giới ở lứa tuổi thanh niên và trung niên phải đến các cơ sở y tế điều trị triệu chứng này thì ngày nay nam giới cũng trở thành nạn nhân của những sản phẩm kém chất lượng được mang tên mỹ phẩm làm đẹp.

 Người tiêu dùng không nên tin vào những hình ảnh chưa được kiểm chứng mà chi tiền mua sản phẩm kẻo "tiền mất tật mang".

Thật giả lẫn lộn, đó là thực trạng diễn ra hàng ngày của thị trường mỹ phẩm. Do đó, người tiêu dùng cần chuẩn bị kiến thức cơ bản về những dòng mỹ phẩm mình quan tâm để luôn chọn được các sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất trong việc làm đẹp. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần siết chặt quản lý giá cả, chất lượng sản phẩm và hoạt động buôn bán của các cơ sở kinh doanh, góp phần tạo nên thị trường mỹ phẩm phát triển lành mạnh và bền vững.

Theo Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này"; Ngoài ra, có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai.

Xử lý hình sự: Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015: "Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang