Người tiêu dùng cẩn trọng 'sập bẫy' quảng cáo Viên uống Dian Beauty

author 09:35 07/09/2022

(VietQ.vn) - Dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng viên uống Dian Beauty đang được quảng cáo trên mạng xã hội công dụng như thuốc chữa các bệnh nám da, tàn nhang, trẻ hóa xóa nhăn... có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Quảng cáo sai, lừa dối người dùng

Tàn nhang, nám da là những bệnh lý rất khó điều trị. Tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện nhiều dòng sản phẩm mỹ phẩm, TPBVSK quảng cáo có khả năng điều trị dứt điểm nám, đánh bay nám, tàn nhang... nhằm mục đích lôi kéo người tiêu dùng. Một trong số sản phẩm đang quảng cáo sai công dụng là TPBVSK Dian Beauty. 

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Dian Beauty do Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Ngọc Thiên Ân (địa chỉ: 1/12/27 Đường Tô Ký, Tổ 23, Khu phố 6, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM) phân phối độc quyền. Tại website https://myphamdianbeauty.com/, sản phẩm được quảng cáo công khai như thuốc chữa bệnh, điều trị hiệu quả các bệnh về da, trắng da toàn thân, trẻ hóa da...

 Người tiêu dùng cẩn trọng “sập bẫy” quảng cáo Viên uống Dian Beauty.

Trong đó, những nội dung vi phạm quảng cáo thể hiện như: “Viên uống trắng da toàn thân Dian Beauty giúp dưỡng trắng toàn thân từ da mặt đến body, điều trị tận gốc sạm nám, tàn nhang, thâm mụn. Cân bằng chấm dứt các vấn đề về rối loạn nội tiết tố nữ như tóc khô sơ gãy rụng nhiều, kinh nguyệt không đều, mất ngủ, khô hạn giảm ham muốn, bốc hỏa... Cam kết hiệu quả sử dụng không bị hồi da khi ngưng sử dụng”.

Để người tiêu dùng tin vào công dụng tự “vẽ” trên, tổ chức kinh doanh Dian Beauty còn “nổ” sản phẩm là viên uống trắng da, trị nám tốt nhất hiện nay. Đồng thời hướng dẫn phác đồ sử dụng như: Uống mỗi ngày 2 viên Dian Beauty chia đều vào buổi sáng và tối, đều đặn trong 3 tháng để cảm nhận sự thay đổi rõ rệt. Tiếp theo là duy trì sử dụng viên uống Dian Beauty mỗi ngày để sở hữu làn da trắng hồng không tì vết dài lâu.

Tại trang web nêu trên, rất nhiều hình ảnh giới thiệu là người tiêu dùng “tâm sự” chia sẻ về công dụng chữa nám, tàn nhang của viên uống Dian Beauty với cùng kịch bản giống nhau và đều không được kiểm chứng.

Đầu tiên là dòng trạng thái của một khách hàng chia sẻ, trước đây, chị bị nám sau sinh và chỉ dùng kem bôi bên ngoài nhưng không khỏi, sau này nám hình thành nhiều, lan rộng hơn khiến chị mất tự tin. Thế nhưng, sau khi dùng sản phẩm Dian Beauty nám đã hết, da trắng lên...

Tiếp theo là chia sẻ: “Mình đã trắng lên 4 tông da sau khi sử dụng hết một liều trình trắng da Dian Beauty. Trước giờ da chị thuộc tạng người rất khó trắng, sử dụng qua rất nhiều loại thuốc, kem bôi nhưng không hiệu quả...”.

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 181/NĐ-CP hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh. Không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm.

Cần nói thêm, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và dẹp loạn quảng cáo sai sự thật, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử phạt nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời buộc các đơn vị cải chính thông tin quảng cáo không phù hợp. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, đơn vị phân phối sản phẩm DIAN BEAUTY vẫn quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội với hình thức công khai hơn, thậm chí còn sử dụng chiêu trò khuyến mại để “dụ dỗ” người tiêu dùng.

Cần xử nghiêm theo pháp luật

 Hình ảnh nhiều khách hàng chưa được kiểm chứng quảng cáo sai công dụng nhằm lừa dối người dùng?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo:

Hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;

Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.

Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.

Thông qua nội dung trên cho thấy việc quảng cáo TPBVSK Dian Beauty có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng, Chất lượng Việt Nam khuyến cáo người dùng không nên tin vào những quảng cáo trên mà chi tiền mua sản phẩm. Ngoài ra, tòa soạn đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang