Thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người phải công bố hợp quy theo quy chuẩn

(VietQ.vn) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT quy định về giới hạn và phương pháp đo mức hấp thụ riêng đối với các thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương lớn hơn 20 mW.
TCVN 13167:2020 quy định tiêu chí đánh giá đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm
TCVN 13418:2022 về lăng phun bọt chữa cháy cầm tay trong phòng cháy chữa cháy
TCVN 13258:2020 yêu cầu truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thuốc hóa dược
TCVN 13258:2020 về truy xuất nguồn gốc đối với chuỗi cung ứng thuốc hóa dược
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), sóng điện từ có thể làm nóng các mô tế bào của cơ thể con người và gây tác động lên hoạt động điện não, chức năng nhận thức, giấc ngủ, nhịp tim và huyết áp ở những người tình nguyện. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cũng tiến hành phân loại một số trường hợp tần số sóng điện từ có thể gây tác động xấu đến cơ thể con người.
Hiện tại, phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới như khối Schengen, Mỹ, Nhật, Úc và nhiều nước APAC đều đã ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về mức hấp thụ riêng (SAR) để bảo vệ người dùng khi sử dụng các thiết bị thu phát sóng vô tuyến cầm tay và sử dụng gần vùng tai như điện thoại di động, máy bộ đàm. Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT về mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người.
Quy chuẩn quy định về giới hạn và phương pháp đo mức hấp thụ riêng đối với các thiết bị vô tuyến điện có công suất bức xạ đẳng hướng tương đương lớn hơn 20 mW và được nhà sản xuất thiết kế có thể sử dụng ở khoảng cách dưới 200 mm với con người.
Quy chuẩn không áp dụng cho thiết bị y tế cấy ghép. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và khai thác các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật này trên lãnh thổ Việt Nam.

Thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người phải đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn. (Ảnh minh họa)
Căn cứ Mục 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT quy định quản lý về mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người thuộc phạm vi điều chỉnh phải tuân thủ các quy định kỹ thuật trong quy chuẩn này. Việc chứng nhận hợp quy, công bố đối với các thiết bị thuộc phạm vi của quy chuẩn này, phương thức đánh giá sự phù hợp theo các quy định hiện hành. Phương tiện, thiết bị đo và thử nghiệm phục vụ đánh giá sự phù hợp phải tuân thủ quy định pháp luật về đo lường và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Trong đó, máy điện thoại di động mặt đất bắt buộc phải công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định. Thiết bị điện thoại không dây loại kéo dài thuê bao vô tuyến DECT, máy tính xách tay, máy tính bảng phải công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết quả thử nghiệm.
Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo các phương thức: Phương thức 1, phương thức 5 và phương thức 7 được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và các sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
Phương thức 1 thử nghiệm mẫu điển hình áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương).
Phương thức 5 thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương) nhưng có quy trình sản xuất và giám sát đảm bảo chất lượng để đánh giá.
Phương thức 7 thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa không áp dụng được theo Phương thức 1 hoặc Phương thức 5. Phương thức đánh giá sự phù hợp phải được ghi cụ thể trên giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.
Quy chuẩn này cũng nêu rõ các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy các thiết bị thuộc phạm vi của Quy chuẩn này và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành.
An Dương