Cận cảnh quá trình chế biến miến mất vệ sinh ở các làng nghề

author 14:29 09/02/2015

(VietQ.vn) - Miến là một loại thực phẩm truyền thống trong ngày Tết, tuy nhiên, khám phá quy trình chế biến miến ở các làng nghề, người tiêu dùng sẽ cảm nhận được miến bẩn hay sạch do đâu và do ai.

Miến bẩn từ trong những công đoạn chế biến

Theo tin tức được phóng viên ghi nhận trên báo Tiền Phong tại làng Dương Liễu, Hoài Đức, một trong những cơ sở làm miến lâu đời nhất, chi tiết về công đoạn và thủ tục làm miến được hé lộ. Bên cạnh làng nghề Hoài Đức, các làng miến khác cũng gặp những bất cập tương tự dẫn tới hiện tượng thực phẩm bẩn do mất vệ sinh.

Khi phóng viên báo Tiền Phong tới thăm , nằm kế bên trụ sở UBND xã, chứng kiến củ dong, than đá, phân đạm và bã để gần nhau, chỗ bột đen, bột trắng cùng chút bùn nâu dính mưa quyện vào đó sắp được đưa đi làm miến.

Thực phẩm bẩn ô nhiễm bắt đầu từ những công đoạn đầu tiên, tức chế biến

Thực phẩm bẩn ô nhiễm bắt đầu từ những công đoạn đầu tiên, tức chế biến. Ảnh Tiền Phong

Công đoạn làm miến bắt đầu sau khi rửa qua những củ dong, đưa chúng vào máy nghiền và lọc lấy tinh bột. 4 thùng phuy gỉ sét, cáu bẩn nơi góc nhà chính là nơi lọc trắng bột. Những mảng nước váng sủi bọt đen ngòm như nước cống nhờ công nghệ thuốc tím và một loại hoá chất mà người dân gọi là thuốc trắng giúp bột dong ra lò trắng phau. Chủ cơ sở cho biết, miến nào cũng phải sử dụng phèn chua và thuốc tẩy nhưng sẽ không lo bị ngộ độc do đã trải qua sơ chế. Ở khâu cuối cùng, miến được mang đi phơi, sấy. Người dân tận dụng mọi nơi để phơi miến, trên cánh đồng, 2 bên đường bụi bặm, thậm chí phơi kín con mương đen kịt, đầy ruồi muỗi.

Năm nay, miến loại nguyên bản màu xám đen có giá từ 3- 32.000 đồng/kg, miến vàng sợi cứng hơn giá khoảng 28.000 đồng/kg, loại rẻ nhất là miến tẩy trắng giá 24.000 đồng/kg. Vì lý do nào đó, dân làng chỉ giữ lại miến xám đen không tẩy màu để ăn Tết.

Cuối tháng 1/2015, phóng viên báo Nông Nghiệp ghé vào xóm làm miến ở xã Đà Sơn nằm cạnh QL46. Tại đây, tình trạng tương tự cũng xảy ra, miến gạo đang được phơi trên sào nứa dọc hai bên đường chưa kịp khô và phải hứng bụi do xe cộ đi lại. Miến của nhiều hộ dân cùng làm nghề này tại xã Đà Sơn được phơi trên dàn nứa chỉ cách mặt đất 5-10 cm, ngay bên đường đi lại, cạnh đó là mương nước thải đen ngòm từ các lò miến xả ra, bốc mùi hôi thối và tắm trong khói bụi vì không có diện tích để phơi miến là một bất cấp lớn của làng nghề.

Tương tự Làng Cự Đà, thuộc xã Cự Khê, Huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội từ lâu nổi tiếng với nghề làm miến. Bên cạnh sự nổi tiếng ấy làng miến cũng đang đứng trước nguy cơ đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân kéo lê từng mảng bánh đa từ ngoài ngõ vào nhà, cắt thành từng đoạn dài rồi dùng máy cắt miến thành sợi. Không dụng cụ bảo vệ, những người thợ ra sức dùng chân giẫm miến, có người phụ nữ bê nguyên đôi chân đang đi dép giẫm mạnh lên đống miến, vần qua vần lại một lúc rồi sau đó mới bó thành những bó nhỏ, theo ghi nhận của phóng viên VTC.

Miến bẩn hay sạch là ý thức của người dân

Theo tiến sĩ Lâm Văn Mân - Trưởng phòng Nghiên cứu, phát triển và Chuyển giao công nghệ, Viện An toàn thực phẩm: Để phân biệt giữa miến “sạch” và miến không nhiễm hóa chất rất khó nếu không đưa mẫu đi phân tích. Với người tiêu dùng cách nhận biết chủ yếu do cảm quan. Thứ nhất, nếu miến nguyên chất có màu xám đậm. Không nên chọn những miến có màu trắng quá vì trên thị trường có một số loại miến sử dụng hóa chất để tẩy rửa. Thứ hai, khi ăn miến nếu miến nhiễm hàn the sẽ dai hơn so với miến bình thường.

Thực phẩm bẩn hay sạch là do ý thức của người dân trong khâu chế biến

Thực phẩm bẩn hay sạch là do ý thức của người dân trong khâu chế biến. Ảnh VTC

PGS.TS Phan Thị Sửu, Hội An toàn Thực phẩm cũng chia sẻ, trong sản xuất miến có dùng một số chất tẩy trắng. S au nhiều lần lắng, rửa nước, chất tẩy cũng tan bớt đi. Cùng với đó, miến là sản phẩm sơ chế nên có thể nói là đảm bảo vệ sinh.

Tuy vậy, bà Sửu khuyến cáo, vẫn nên chọn loại miến mộc màu ghi xám để đảm bảo an toàn nhất, bởi một số người sử dụng chất tẩy trắng đậm đặc, thậm chí phẩm màu hoá học để làm miến. Nếu lọc ít nước hơn bình thường thì chất tẩy trắng vẫn còn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Cơ quan chức năng chỉ có thể khuyến cáo cách sản xuất chứ không thể kiểm tra từng hộ được. Miến bẩn hay sạch chủ yếu vẫn do ý thức của người dân”, bà Sửu nói.

Phương Khanh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang