Thực trạng tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội

author 15:18 28/08/2024

(VietQ.vn) - Đề tài Thực trạng tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội do Phạm Mai Chi - Nguyễn Quang Chương (Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Hiện nay Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đang phát triển, có lượng phát thải gây ô nhiễm ngày càng gia tăng do đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh đang trở thành một xu thế của các doanh nghiệp trên thế giới, cũng như ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp ngày càng phải đối mặt với việc buộc phải giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế. Bài viết này đưa ra các khái niệm về tăng trưởng xanh, sản phẩm xanh, dịch vụ xanh, môi trường bền vững cho các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

1.1. Khái niệm tăng trưởng xanh

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra khái niệm về “nền kinh tế xanh” là “phát triển một nền kinh tế mà nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”. 

Đó là một khái niệm mang tính chất chung nhất và đã bao hàm các nội dung của các trụ cột của phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh việc giảm thiểu rủi ro về mặt môi trường sinh thái. Hiểu một cách đơn giản nhất đó là một nền kinh tế sử dụng ít các bon, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và hướng tới việc đảm bảo công bằng xã hội.

Tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên hợp quốc định nghĩa “Tăng trưởng xanh” là “Quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội”. Tăng trưởng xanh chỉ có thể trở thành hiện thực khi các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp thực sự tham gia thực hiện ngay trong quá trình sản xuất kinh doanh.

1.2. Nội hàm của tăng trưởng xanh

Các nội hàm của tăng trưởng xanh có thể khái quát ở 3 khía cạnh chính:

- Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;

- Xanh hóa sản xuất;

- Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Đây cũng chính là 3 nhiệm vụ chiến lược đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam ban hành từ năm 2012.

2. Nội dung đánh giá tăng trưởng xanh của doanh nghiệp công nghiệp

Trong lĩnh vực công nghiệp, để sản xuất gắn liền với giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động gây ô nhiễm môi trường, chuyển từ sản xuất nâu sang sản xuất xanh buộc doanh nghiệp phải có chiến lược và hành động cụ thể, thường tập trung vào 3 nội dung hướng tới xanh hóa sản xuất, đó là: (1) Đổi mới công nghệ; (2) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (3) Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh.

Cả 3 nội dung này không dễ dàng thực hiện bởi doanh nghiệp luôn có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu hóa chi phí mà ít quan tâm đến vấn đề môi trường, trong khi đó việc thực hiện 3 nội dung để tăng trưởng xanh vừa tốn kém cả thời gian lẫn công sức và nguồn lực. Chính vì lẽ đó, Nhà nước cần thể hiện vai trò trong thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đây là một nhận thức mang tính cốt lõi nhất. Tuy nhiên, mức độ và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh có thể khác nhau tùy thuộc vào khả năng của doanh nghiệp và những ưu tiên của Nhà nước trong khuôn khổ nguồn lực cho phép.

2.1. Đổi mới công nghệ

Nhìn chung, đổi mới công nghệ luôn là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp, nhất là trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Đổi mới công nghệ giúp cho doanh nghiệp cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm và đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện tăng trưởng xanh thì nội dung đổi mới công nghệ không chỉ để nâng cao năng suất, mà còn đồng thời nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu và giảm tác động xấu đến môi trường.

Vì những lợi ích này mà doanh nghiệp có động lực đổi mới công nghệ để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trách nhiệm xã hội vì chính sự tồn tại và phát triển của bản thân doanh nghiệp. Công nghệ được cải tiến sẽ dẫn đến những phương pháp sản xuất mới, thân thiện hơn với môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Điều này có nghĩa là những công nghệ mới có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn với cùng số lượng các yếu tố đầu vào như trước hay thậm chí ít hơn, vừa cho năng suất cao hơn, vừa tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đối với các doanh nghiệp công nghiệp, việc thực hiện đổi mới công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh phải đảm bảo sự xanh hóa công nghệ hay hướng tới sử dụng các công nghệ xanh, để giải quyết các vấn đề như:

- Phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường, không làm tổn hại đến nguồn tài nguyên thiên nhiên hay ảnh hưởng nguy hại đến những thế hệ tương lai.

- Tạo dựng một chu trình kín trong sản xuất, nghĩa là phế phẩm của một quy trình sẽ là nguyên liệu của một quy trình sản xuất khác.  

- Giảm thiểu tối đa phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái tạo sản phẩm cũ thành nguyên liệu mới.

- Công nghệ xanh đòi hỏi cần phải sử dụng năng lượng hợp lý hoặc giảm thiểu hầu bảo vệ mội trường thiên nhiên.

- Hóa học xanh cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào việc giải quyết công nghệ xanh.

Các doanh nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ để thực hiện tăng trưởng xanh cần hành động phù hợp với các yếu tố như: Các chính sách qui định; Cầu của thị trường.

Ở rất nhiều nước trên thế giới, các qui định, chính sách là một động lực quan trọng cho các doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ. Để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng xanh thì một mặt Nhà nước cần qui định có tính chất ưu đãi đối với các công nghệ thân thiện với môi trường, mặt khác đồng thời trừng phạt đối với các công nghệ gây ô nhiễm theo lộ trình. Tuy nhiên, chỉ khi thị trường có nhu cầu gia tăng về sản phẩm xanh tương ứng, doanh nghiệp mới có thể nắm lấy cơ hội và phát triển thị trường sản phẩm xanh.    

2.2. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và bảo vệ môi trường. Xu hướng hội nhập toàn cầu ngày nay là hướng tới các chính sách về năng lượng với yêu cầu xanh, sạch, bảo vệ môi trường sinh thái chứ không chỉ riêng về dịch vụ, chất lượng hay hiệu quả kinh tế.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp cần có cam kết sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng như điện, nước, gas… trong quy trình sản xuất cũng như trong các hoạt động tại nhà máy để giảm thiểu những tác động tiêu cực lên môi trường. Không chỉ doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp lớn, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có những biện pháp, tuyên truyền để thực hiện công tác tiết kiệm năng lượng.

Hiệu quả của tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ giúp cho việc tiêu thụ năng lượng giảm xuống, giảm việc sử dụng và khai thác các nguồn tài nguyên, thiên nhiên. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu của mình một cách mạnh mẽ, cần đặt lợi ích của cộng đồng lên trên. Hướng tới một doanh nghiệp “xanh” không chỉ góp phần làm giảm nguồn năng lượng tiêu thụ cùng nhiều chi phí khác xuống mức có lợi về kinh tế, mà còn giúp doanh nghiệp tạo thế đứng riêng trên con đường phát triển với rất nhiều cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Một giải pháp để giúp các doanh nghiệp sản xuất thực hiện sử dụng năng lượng hiệu quả đó là thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất phù hợp, đảm bảo tiết kiệm năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cùng một dây chuyền công nghệ, việc nghiên cứu sử dụng các loại nguyên, nhiên liệu một cách hợp lý và hiệu quả nhất cũng hết sức quan trọng, cùng với việc tăng cường năng lực cho bộ phận nghiên cứu và triển khai (R&D) của doanh nghiệp lựa chọn phương pháp sản xuất và sử dụng công nghệ, máy móc tối ưu cho việc tiết kiệm tiêu dùng năng lượng hiệu quả (OECD, 2013).

2.3. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh

Đứng trước tình trạng các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét… nhiều quốc gia đã chọn kinh tế xanh làm mô hình phát triển mới. Thay thế việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tài nguyên không tái tạo bằng kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các - bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực từ năng lượng hiệu quả hơn. Do vậy, đối với doanh nghiệp, việc chuyển đổi sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh cũng được coi là một xu thế tất yếu trong phát triển bền vững.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các biện pháp hướng tới phát triển kinh tế xanh như: Áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; Thực hiện thí điểm cơ chế sản xuất sạch, cơ chế năng xuất xanh trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh xây dựng hệ thống Biogas ở nông thôn… Những biện pháp trên đã góp phần vào việc tiết kiệm tài nguyên, xây dựng nền kinh tế xanh…

Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh trong doanh nghiệp công nghiệp cần phải chú ý: áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn để mang lại lợi ích kinh tế cao, chất lượng tốt, từ đó tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước, giảm đáng kể chất thải ô nhiễm ra môi trường, cải thiện môi trường lao động, chất lượng sản phẩm tăng được người tiêu dùng ưa chuộng và quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường gắn với sự phát triển bền vững của đơn vị.

3. Thực trạng tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội

3.1. Thực trạng chung

Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn năm 2022 đã tăng so với năm 2015 và tăng ở tất cả các ngành công nghiệp, trong đó doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở ngành chế biến, chế tạo với tỷ lệ 95,4%. Đây cũng là đặc điểm chung của khu vực công nghiệp Việt Nam, thể hiện vai trò của công nghiệp CBCT đối với tăng trưởng kinh tế, khi khoảng 20% giá trị tăng thêm mỗi năm là do ngành này tạo ra. (Bảng 1)

Bảng 1. Số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Ngành

Số lượng doanh nghiệp

2018

2019

2020

2021

2022

Khai khoáng

218

225

199

201

221

Công nghiệp chế biến

16310

17341

17525

17559

19315

Sx phân phối điện, khí đốt, hơi nước

122

161

404

836

920

Cung cấp xử lý nước thải

422

519

481

476

524

Tổng

17072

18246

18609

19072

20979

                                                                                             Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội

Theo Kết quả Điều tra doanh nghiệp (TCTK, 2023), doanh nghiệp ngành Chế biến chế tạo (CBCT) của Hà Nội trong năm 2022 chiếm trung bình 47,9% tổng giá trị tài sản cố định, 78,2% doanh thu thuần SX-KD và tạo được gần 91% tổng số việc làm của cả khu vực doanh nghiệp công nghiệp của thành phố.

Tuy nhiên, doanh nghiệp CBCT có 2 đặc điểm cần lưu ý là: (i) quy mô doanh nghiệp nhỏ nhất xét về lao động và tài sản cố định và doanh thu thuần bình quân 1 doanh nghiệp ở mức thấp, đồng nghĩa với năng suất lao động thấp. Điều này hạn chế lớn đến khả năng cạnh tranh cũng như thực hiện tăng trưởng xanh của doanh nghiệp. Trên thực tế, để thực hiện xanh hóa sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực về vốn đủ để đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm cũng như áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Bảng 2. Chỉ số công nghiệp trên địa bàn Hà Nội (%)

Ngành

Số lượng doanh nghiệp

2018

2019

2020

2021

2022

Khai khoáng

91,3

78,4

90,4

100,1

97,8

Công nghiệp chế biến

107,5

108,5

104,6

104,8

109,0

Sản xuất phân phối điện, khí đốt, hơi nước

108,5

109,7

106,1

104,2

106,0

Cung cấp xử lý nước thải

107,9

108,0

105,4

106,7

109,1

Tổng

107,5

108,5

104,7

104,8

108,8

                                                                                                 Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 8,8% so với năm 2021, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 6%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,1%; khai khoáng giảm 2,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu quan trọng, phản ánh nhanh tình hình phát triển toàn ngành Công nghiệp nói chung và tốc độ phát triển của từng sản phẩm, nhóm ngành sản phẩm nói riêng.

Có thể thấy, ngành Công nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Chỉ tiêu này đánh giá tốc độ phát triển sản xuất ngành Công nghiệp đã tăng trong 3 năm gần đây kể từ năm 2020 cho thấy các ngành công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang dần phát triển một cách ổn định trở lại. (Bảng 2)

3.2. Thực trạng thực hiện đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn

Ở phạm vi Hà Nội đến nay vẫn chưa có đánh giá tổng thể nào về thực trạng đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu tư vấn chính sách thuộc Văn phòng Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia về đổi mới công nghệ trong ngành Cơ khí chế tạo đã đánh giá: “Trình độ công nghệ trong ngành Cơ khí chế tạo còn lạc hậu, mức tự động hóa chỉ đạt 7%, tính đồng bộ của dây chuyền sản xuất chưa cao, các doanh nghiệp cơ khí sử dụng trên 70% máy công cụ vạn năng (có độ phức tạp và tinh vi chỉ đạt mức 2/7 theo quan điểm của ESCAP).

Một kết quả điều tra về đổi mới công nghệ của 100 doanh nghiệp cơ khí chế tạo cũng do Trung tâm này tiến hành trong năm thì chỉ có 56 doanh nghiệp phản hồi, trong đó chỉ có 12,5% doanh nghiệp tự đánh giá trình độ công nghệ của họ đạt mức cao so với thế giới; 48,2% tự nhận mức trung bình và 39,3% nhận mức thấp. Tức là, năng lực công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu ở mức bằng và thấp so với thế giới.

Doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã có nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động đổi mới công nghệ để thực hiện hành động tăng trưởng xanh (71% có thông tin về Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của TP. Hà Nội).

Tuy nhiên, các yếu tố đầu ra, tức là đánh giá kết quả thực hiện hành động của doanh nghiệp về tăng trưởng xanh, cụ thể là giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính còn chưa được nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm, vẫn còn khoảng 1/3 doanh nghiệp cho rằng các chỉ số này ít quan trọng với doanh nghiệp. Rõ ràng vẫn còn một khoảng cách giữa nhận thức đến hành động của doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thực hiện tăng trưởng xanh.

3.3. Thực trạng sử dụng năng lượng của doanh nghiệp trên địa bàn

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nội dung được Hà Nội rất quan tâm và triển khai khá tốt. Theo Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội, Công ty TNHH Phụ tùng xe máy Ghoshi Thăng Long, Công ty TNHH Sumimoto, Công ty Bia Sài Gòn - Hà Nội... đã tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Thành phố đã hỗ trợ xây dựng thí điểm 3 mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đề xuất gần 330 giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với hàng chục doanh nghiệp trong các nhóm ngành tiêu tốn năng lượng (như vật liệu xây dựng, sản xuất cơ khí, dệt may, sản xuất gốm, dược phẩm thuộc ngành hóa chất, thép, nhựa..) trong các khu công nghiệp Thăng Long, Nội Bài, Quang Minh, Thạch Thất - Quốc Oai và thuộc cụm, điểm công nghiệp, làng nghề (cụm Ngọc Hồi Thanh Trì, làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, gốm Kim Lan, mộc Liên Hà).

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, doanh nghiệp trên địa bàn có mức tiêu thụ năng lượng bằng mức trung bình của Việt Nam và cao hơn so với mức trung bình của thế giới. Đặc biệt là mức độ thay đổi về tiêu thụ năng lượng ở các doanh nghiệp được điều tra trong 3 năm gần đây phần lớn là tăng, trung bình ở quanh mức 10%, trong đó mức cao nhất là 30%, có một số doanh nghiệp không có sự thay đổi về tiêu thụ năng lượng.

3.4. Thực trạng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng xanh hóa của doanh nghiệp trên địa bàn

Phân tích động thái chuyển dịch cơ cấu sản phẩm ngành CBCTcũng là một căn cứ để đánh giá mức độ thực hiện tăng trưởng xanh của doanh nghiệp. Nếu tỷ trọng của các sản phẩm công nghệ cao như điện tử và sản phẩm liên quan, dược liệu và dược mỹ phẩm (theo phân loại của OECD) tăng lên và các ngành công nghệ thấp (dệt may, đồ uống, chế biến thực phẩm, da giày, in ấn) giảm đi theo thời gian thì đó cũng là một dấu hiệu về chuyển dịch sản phẩm tích cực theo hướng tăng trưởng xanh.

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành CBCT ít thay đổi theo thời gian. Công nghiệp CBCT là ngành đóng góp trên 94% vào tổng GTSX công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Hai ngành là sản phẩm điện tử (thuộc nhóm công nghệ cao) và phương tiện vận tải (nhóm công nghệ trung bình) đóng góp cao nhất vào tổng GTSX, nhưng lại có xu hướng giảm nhẹ. Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất hai lĩnh vực này chủ yếu là gia công, lắp ráp nên có xu hướng chuyển ra các tỉnh lân cận Hà Nội có điều kiện tốt hơn và để được hưởng ưu đãi nhiều hơn.

Bảng 3. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ GTSX công nghiệp chế biến chế tạo của Hà Nội (%)

Ngành

2018

2019

2020

2021

2022

Khai khoáng

0.65

0.59

0.68

0.76

0.66

Công nghiệp chế biến, chế tạo

94.78

94.82

94.31

94.28

93.97

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước

3.72

3.75

3.96

3.96

1.65

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

0.85

0.85

1.06

1.00

0.89

Tổng

100

100

100

100

100

                                                                                          Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội

4. Kết luận

Phân tích thực trạng thực hiện 3 nội dung của tăng trưởng xanh ở cấp độ doanh nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng bằng phương pháp định lượng và định tính cho thấy doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn đã có nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của thực hiện tăng trưởng xanh. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch hành động cụ thể về sản xuất đi liền với các hoạt động bảo vệ môi trường, đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Theo kết quả điều tra, trong 3 năm gần đây, có 45,13% doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội có hoạt động đổi mới công nghệ, 44,25% doanh nghiệp có hoạt động hoạt động thực hiện tiêu dùng năng lượng có hiệu quả và chỉ có 19,47% doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất sản phẩm mới theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.

 Nhiều doanh nghiệp hướng vào đầu tư đổi mới công nghệ: Máy móc thiết bị và khả năng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng chỉ ở mức trung bình của cả nước và thấp hơn mức trung bình của thế giới, đặc biệt chỉ có hơn 6% số doanh nghiệp có sử dụng máy móc, thiết bị sử dụng nhiên liệu tái tạo.

Theo kết quả khảo sát có tới 40% doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi, điều chỉnh công nghệ/máy móc. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp muốn thay đổi, điều chỉnh công nghệ, nhưng chủ yếu là do năng suất thấp (chiếm 19%), để tăng chất lượng (16%); do công suất thấp và để đa dạng hóa sản phẩm (15%); còn lại một số lý do khác như công nghệ lạc hậu (12%), do đối tác yêu cầu (9%), do yêu cầu pháp lý (5%).

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thực hiện hành động tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, do mức độ hiện đại của máy móc, thiết bị của họ cũng chỉ tương đương mức trung bình cả nước, thấp hơn mức trung bình của thế giới và chỉ có rất ít doanh nghiệp có sử dụng máy móc, thiết bị sử dụng nhiên liệu tái tạo cho nên việc sử dụng năng lượng của họ vẫn có xu hướng tăng lên.

Tương tự, các doanh nghiệp đã nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi sản phẩm theo hướng xanh, nhưng chỉ một số thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, chủ yếu lại là doanh nghiệp ngoài nhà nước, có quy mô nhỏ và vừa. Nhìn chung, kết quả đạt được còn khiêm tốn.

Theo Tạp chí Công Thương

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang