Sản phẩm không đồng bộ, chất lượng kém gây ra nhiều rủi ro cho ngành viên nén

authorDiệu Hằng 13:42 22/10/2021

(VietQ.vn) - Mặc dù hiện nay Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu viên nén tuy nhiên theo các chuyên gia ngành này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén mới được phát triển trong một thập kỷ gần đây, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nhu cầu phát triển điện sinh học tại Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ sau thảm động đất và sóng thần. Nhu cầu tiêu thụ viên nén tại các quốc gia này liên tục tăng, là động lực cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam mở rộng.

Viên nén được sản xuất từ nguyên liệu phế phụ phẩm của ngành nông lâm ngư nghiệp, đây là nguồn sinh khối rất đa dạng. Cụ thể, các nguyên liệu sản xuất viên nén hiện nay chủ yếu từ: phế phụ phẩm của ngành chế biến gỗ (vỏ bào, mùn cưa, vụn vỏ cây rừng, các mẩu gỗ thừa…); phế phụ phẩm của ngành trồng trọt (vỏ trấu sau khi xay thóc, bã mía, thân cây ngô, mía, các thân cây cỏ khô, vỏ hạt cà phê…).

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 3,2 triệu tấn, lớn thứ 2 thế giới. Gần 100% lượng viên nén từ Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc... Mặc dù vậy, do vẫn còn thiếu chiến lược bài bản nên ngành hàng này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

 Ngành viên nén dù xuất khẩu mạnh nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Tình trạng bị ép giá và chưa bứt phá như kỳ vọng

Trong giai đoạn 2013-2020, lượng xuất khẩu viên nén nhiên liệu tăng trên 18,2 lần từ khoảng 175,5 tấn lên 3,2 triệu tấn; giá trị xuất khẩu tăng trên 15,3 lần, từ gần 23 triệu USD lên 351 triệu USD. Đối lập với xu thế tăng về lượng và kim ngạch xuất khẩu, giá xuất khẩu có xu hướng giảm từ 131 USD/tấn năm 2013 xuống còn 111 USD/tấn năm 2020.

Mức giá xuất khẩu giảm có thể một phần là do ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất. Ghi nhận của Tổng cục Hải Quan cho thấy năm 2020 có 74 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng nhẹ từ 72 doanh nghiệp năm 2018. Trong năm 2020, số các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn (lượng xuất khẩu trên 50.000 tấn/doanh nghiệp) là 17 doanh nghiệp, tương đương trên 23%). Lượng doanh nghiệp có quy mô vừa (lượng xuất từ 20.000 – 49.000 tấn/doanh nghiệp) là 10 doanh nghiệp, chiếm 13,5%, còn lại là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (dưới 20.000 tấn/doanh nghiệp).

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), việc viên nén mới xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản khiến ngành hàng này rơi vào tình trạng bị ép giá và chưa bứt phá như kỳ vọng. Số liệu phân tích từ nguồn Hải quan cho thấy, giá xuất khẩu viên nén sang thị trường Hàn Quốc có sự biến động mạnh theo tháng. Có thời điểm mức giá trung bình xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 77 USD/tấn, nhưng có thời điểm mức giá xuất đạt 144 USD/tấn.

 
Viên nén mùn cưa hay viên nén gỗ là loại nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối như dăm bào, mùn cưa, thân ngô, gỗ thải, vỏ đậu phộng,… ... Viên nén mùn cưa thường dùng để sử dụng trong các lò sưởi, là chất đốt có năng lượng sinh ra cao từ 4200 ~ 4600 kcal/kg và lượng tro tàn rất nhỏ.
 

Sản phẩm không đồng bộ, chất lượng kém

Theo các chuyên gia, nghành sản xuất và xuất khẩu viên nén mới hình thành và phát triển tại Việt Nam với thời gian chưa đến 10 năm, nhưng đây lại là ngành hứa hẹn đem về tỷ USD trong tương lại gần. Nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới liên tục tăng, là động lực cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam mở rộng. Tuy nhiên ngành phát triển viên nén vẫn còn tồn tại nhiều điểm cần phải quan tâm.

Thứ nhất, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát, điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng bộ, thậm chí sản phẩm có chất lượng kém. Vấn đề này sẽ đẩy giá xuất khẩu viên nén xuống thấp. Nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới tài nguyên rừng, với nguồn nguyên liệu đầu vào có thể được thu lượm từ các cây, cành nhỏ từ rừng.

Thứ hai, mặc dù đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng, sản xuất và xuất khẩu viên nén chưa nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý.

Thứ ba, hiện chưa có cơ chế kết nối các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong ngành, chưa có tiếng nói chung trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Thứ tư, cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp cùng sản xuất viên nén mà còn xảy ra giữa các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm khác như dăm gỗ và ván ép. Nhiều tín hiệu cho thấy trong tương lai cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ diễn ra khốc liệt hơn.

Thứ năm, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ không hiểu thông tin về thị trường xuất khẩu, do đó không nắm bắt được thị hiếu mua và sử dụng viên nén, cũng như nguồn nguyên liệu đặc trưng.

Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều phế phụ phẩm ngành nông nghiệp rất tốt để sử dụng sản xuất viên nén, như vỏ trấu từ các nhà máy xay sát, rơm rạ và thân các cây trồng phơi khô. Thế nhưng phần lớn nguyên liệu này đang bị đốt bỏ rất lãng phí. Nguyên nhân do chưa hình thành hệ thống thu gom vỏ trấu, rơm rạ, thân các cây trồng phơi khô để chuyển đến các nhà máy sản xuất viên nén.

Cũng theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu không có chiến lược kinh doanh, phát triển tổng thể và bài bản, các doanh nghiệp sản xuất viên gỗ nén có thể sẽ tự giẫm vào chân nhau, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, cũng như của cả ngành hàng viên gỗ nén Việt Nam nói chung.

Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhìn nhận và quan tâm nghiên cứu lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu viên nén, từ đó có chiến lược đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai gần, qua đó gia tăng giá trị cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang