Tiktok và trào lưu gắn răng nanh giả độc hại

authorNgọc Nga 07:10 12/11/2021

(VietQ.vn) - Tiktok có thể coi là mạng xã hội lớn nhất cho trẻ vị thành niên ngày nay với vô vàn trào lưu. Trào lưu gắn răng nanh giả khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Tiếp nối sau thành công của mạng xã hội Facebook, Tiktok hiện đang là cái tên rất “hot” trong giới trẻ và thu hút được hàng tỷ người dùng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng Tiktok nguy hiểm và có nhiều mặt trái với các trào lưu độc hại. Một trong số đó là trào lưu gắn răng nanh giả.

Lướt qua các clip trên tiktok những ngày qua, chúng ta thấy hàng loạt người dùng tiktok khoe những chiếc răng nanh đáng yêu của mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia răng miệng, gắn răng nanh giả tạo sự khác biệt và cá tính nhưng giới trẻ nên thận trọng vì có thể gây ra nhiều tác hại.

Trào lưu gắn răng nanh giả rầm rộ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho răng miệng. Ảnh minh họa

Ảnh hưởng đến khớp cắn

Nếu đặt răng nanh giả sai cách, nó sẽ gây ảnh hưởng đến khớp cắn và có khả năng làm hỏng cả các răng xung quanh. Răng khểnh làm rối loạn khớp cắn và gây ra các bệnh nhiễm trùng răng miệng.

Sản phẩm không chất lượng

Theo các chuyên gia về gia khoa, ngoài những lời quảng cáo “có cánh” như: “Răng khểnh tự nhiên cao cấp”, “Trồng răng khểnh giả bền, đẹp, tự nhiên”… thì các thông tin khác về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng gần như không có nhiều. Thậm chí giấy tờ kiểm định chất lượng sản phẩm cũng không có. Mặc dù vậy vẫn có rất nhiều bạn trẻ tin tưởng đặt mua.

Khiến vệ sinh răng miệng gặp khó khăn

Việc tự ý gắn răng giả để tạo răng khểnh sẽ gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, rất dễ gây ra tình trạng viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng do các thức ăn mảng bám tích tụ lại. Từ đó gây ra hôi miệng khó chịu, sâu răng hoặc nặng nề hơn có thể gặp phải biến chứng gây phá huỷ tổ chức cứng của răng.

Tiềm ẩn nguy cơ từ keo gắn răng nanh

Nguy hiểm hơn cả, loại keo dùng để gắn răng được người bán hàng cho biết làm từ nhựa thông, nhưng sau khi phối trộn dung dịch lỏng không phải là nhựa thông. Đây chỉ là keo dán thông thường, có thể dán móng tay. Nếu là dung dịch nguyên liệu dùng gắn răng thì phải có mùi hắc đặc trưng, hít phải liều lượng lớn có thể gây ngất xỉu. Còn bột trắng có thể là xi măng trắng dùng làm chất độn gắn răng, nhưng nguyên liệu dùng trong nha khoa không tùy tiện mua và không tùy tiện dùng. Vậy chúng ta có yên tâm khi đưa loại keo đó vào trong khoang miệng của mình?

Tóm lại, giới trẻ nên đến những cơ sở ý tế có chuyên khoa răng hàm mặt để thực hiện việc gắn răng giả. Việc trồng răng khểnh nói riêng và trồng răng giả nói chung nếu được thực hiện ở những cơ sở có chuyên môn, chất liệu làm răng là chất liệu tốt thì mọi người có thể hoàn toàn yên tâm rằng chiếc răng ấy có thể sử dụng như một chiếc răng thật. Còn nếu không, coi chừng “rước họa vào thân”.

Thu Phương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang