Tổng cục Thuế tiếp tục phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Sắn về thuế VAT

(VietQ.vn) - Vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn không chỉ đẩy DN đến bờ vực phá sản mà còn khiến hàng triệu nông dân lâm cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng cục Thuế đã lên tiếng.
Hyundai SantaFe thế hệ mới chuẩn bị trình làng với nhiều nâng cấp
Phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu và nhập lậu tại An Giang
Vinhomes Grand Park tiếp tục ra mắt dòng bất động sản đẳng cấp phong cách Mỹ
Chờ đón màn 'chào sân' của 100 ô tô điện VinFast chinh phục địa đầu Tổ quốc
Theo Tổng cục thuế, chính sách thuế giá trị gia tăng hiện hành đã có những quy định ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, quy định sản phẩm chưa qua chế biến do các tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt, chăn nuôi thuộc đối tượng không chịu thuế. Các khâu trung gian mua bán kinh doanh thương mại sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế của người nộp thuế kê khai theo phương pháp khấu trừ cũng không phải kê khai, nộp thuế GTGT.
Trường hợp các sản phẩm nông nghiệp nêu trên được các cơ sở sản xuất, chế biến thành sản phẩm tinh chế để bán thì: Các cơ sở sản xuất, chế biến trực tiếp xuất khẩu thì được hưởng thuế suất GTGT xuất khẩu là 0% (Thuế GTGT đầu vào phát sinh của các phụ liệu phụ trợ chiếm tỷ lệ thấp); Các cơ sở sản xuất, chế biến sau khi chế biến thành sản phẩm tinh chế nêu trên bán lại cho doanh nghiệp nội địa để kinh doanh xuất khẩu thì sẽ chịu thuế suất GTGT 10%.
Các doanh nghiệp nội địa này khi xuất khẩu được hưởng thuế suất GTGT là 0% và sẽ được hoàn lại từ NSNN số thuế GTGT đầu vào đã kê khai nộp thuế ở khâu trước đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện về hoàn thuế xuất khẩu theo quy định (Có đầy đủ hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai xuất khẩu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng ghi đầy đủ các nội dung theo quy định như: Tên đơn vị chuyển khoản, số tài khoản đơn vị chuyển khoản, số tiền chuyển khoản phù hợp với giá trị thanh toán ghi trên hợp đồng...).

Theo Tổng cục Thuế, chính sách thuế giá trị gia tăng hiện hành đã có những quy định ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chính sách hoàn thuế GTGT đã được quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Theo đó đã quy định cụ thể về hồ sơ hoàn thuế gồm các văn bản thông thường của hoạt động thương mại như hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng được chuyển từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng;
Trường hợp thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc tuân thủ đầy đủ các quy định về nội dung ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng là một trong các căn cứ chứng minh, xác thực việc mua hàng, xuất khẩu để làm cơ sở giải quyết hoàn thuế GTGT từ NSNN.
Đa số doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN và thực hiện hoàn thuế GTGT theo quy định nhưng thời gian qua vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn,… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Một số vụ việc điển hình đã được cơ quan Công an phối hợp xử lý như: Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức…
Để công tác quản lý hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07/3/2022 chỉ đạo các Cục Thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có phát sinh giao dịch mua bán với doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn.
Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Về kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam thì ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam (thành phần gồm các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan). Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, giải đáp vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ Ngân sách nhà nước theo quy định. Về các đơn kiến nghị của Hiệp Hội Sắn Việt Nam, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có các văn bản trả lời, giải đáp đầy đủ (Công văn số 11309/BTC-CST ngày 01/10/2021, Công văn số 3275/TCT-TTKT ngày 31/08/2021, Công văn số 543/TCT-TTKT ngày 25/02/2022).
Do cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra nên việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành để xác minh các điều kiện, thủ tục trong việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế là một trong các biện pháp nghiệp vụ của ngành thuế để thực hiện quản lý thuế nói chung và thanh tra, kiểm tra hoàn thuế nói riêng đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định.
Đối với trường hợp vi phạm trong khâu xác minh nêu trên, hiện nay cơ quan thuế đã có Công văn số 20/TCT-TTKT ngày 23/3/2022 chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
DN xuất nhập khẩu cho rằng có sự biến tướng, trục lợi khi cho hàng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Đồng Đăng - Lạng Sơn là cơ quan được UBND tỉnh Lạng Sơn giao nhiệm vụ đầu mối chủ trì thực hiện Hội đàm, trao đổi và thống nhất với phía Trung Quốc và triển khai thực hiện các quy trình giao nhận; chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh đảm bảo đúng quy định về đối ngoại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan; báo cáo, đề xuất các vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo đó, trên cơ sở kết quả Hội đàm giữa Ban quản lý khu kinh tế của khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Chính phủ nhân dân thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) ngày 18/02/2022, Ban Quản lý KKTCK đã xây dựng và ban hành các quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan (số 04/PA-BQLKKTCK ngày 01/3/2022) và qua cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài (số 03/PA-BQLKKTCK ngày 25/02/2022). Các Quy trình giao nhận hàng hóa dẫn trên được Ban quản lý KKTCK thông báo tới doanh nghiệp, đăng công khai trên Website https://langsontrade.vn và thực hiện thí điểm từ 01/3/2022.
Trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp XNK phản ánh quá trình giao nhận hàng hóa không tạo thuận lợi cho hoạt động XNK và phát sinh chi phí lớn (do cắt/nối container) cho doanh nghiệp tại cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, trên thực tế phương thức giao nhận hàng hóa chỉ thực hiện được tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, còn phương thức giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan không mang lại hiệu quả (từ ngày 09/3/2022, hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu chỉ thực hiện tại của khẩu Tân Thanh). Do vậy, ngày 09/3/2022, Ban Quản lý có Thông báo số 19a/TB-BQLKKTCK thông báo việc tạm dừng thực hiện quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
Như vậy, căn cứ các nội dung trên thì vấn đề phản ánh của doanh nghiệp XNK tại cửa khẩu Tân Thanh về việc tuyên truyền hướng dẫn kiểm soát các chi phí phát sinh trong quá trình giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi thẩm quyền, chức năng của Ban Quản lý KKTCK.
Phương Nam