Phát hiện hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu tại Saigon Square
Hà Nội: Xử lý hơn 1.424 vụ buôn lậu và gian lận thương mại trong tháng 9/2024
Tạo cầu nối để doanh nghiệp đón đầu xu hướng công nghệ trong ngành thang máy
Theo đó, qua nhiều ngày trinh sát, bám điểm, nắm tình hình địa bàn, theo dõi phương thức hoạt động của các đối tượng, Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã đồng loạt tiến hành triển khai lực lượng kiểm tra một số điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square.
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 phát hiện hàng trăm sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức si mạ, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 4 cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, tại các ổ nhóm, tụ điểm; đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm soát tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Liên quan đến Trung tâm thương mại Saigon Square, năm 2022, triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kế hoạch 888) của Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra đột xuất Trung tâm thương mại Saigon Square, tại số 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Sau nhiều ngày kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu là hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Các mặt hàng mắt kính, gọng kính, túi xách, túi đeo, ví, giày, dép, dây thắt lưng... có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng như: Louis Vuitton, Nike, Adidas, Dior, Montblanc, Hermes, Chanel, The North Face, Michael Kors, Burberry, Gucci, Prada, YSL, Porsche, Coach, Valentino...
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Trung tâm thương mại Saigon Square được ví như “thiên đường mua sắm” tại TP. Hồ Chí Minh, với đa dạng các lĩnh vực và đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và khách thập phương.
Xác định ngay từ đầu việc kiểm tra Saigon Square sẽ rất khó khăn, do quy mô rộng lớn của trung tâm thương mại này, tuy nhiên lực lượng Quản lý thị trường vẫn tiến hành kiểm tra, kiểm soát theo lộ trình nhằm từng bước thay đổi nhận thức của các hộ buôn bán đối với việc kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Việc xác định hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử hành vi trên, cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì sẽ bị xử lý về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; còn nếu hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Như vậy, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với mức phạt cao nhất là 03 năm tù.
Bảo Linh (t/h)